Chuyển đến nội dung chính

Ngày 28/6/2018 thứ năm


Ngày 28/6/2018 thứ năm trời Sơn Tây 36-25 độ nắng to, NGÀY GIA ĐÌNH VN, 7h sang nhà Hải sắt uống trà xem bóng đá, 8h vào nhà Hải Minh phơi cơm, làm lễ nhân ngày rằm tháng năm, nghe tường thuật kỳ họp thứ 6 HĐND thị xã qua Radio.

Đề thi THPT Quốc gia Ngữ Văn: Làm thế nào để ‘đánh thức tiềm lực đất nước’?

Sáng ngày 25/6/2018, gần một triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành xong môn thi Ngữ văn trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Đề thi môn Ngữ Văn năm nay được đánh giá là khá hay và khó: “Sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân” dựa theo một đoạn trích dẫn trong bài thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy, được viết từ những năm 1980-1982.
“Hãy thức dậy đất đai!
Cho áo em tôi không còn vá vai,
Cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn…
Xin bắt đầu từ cơm no áo ấm
Rồi thì xa hơn – đẹp và giàu và sung sướng hơn
Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
Châu báu vô biên dưới thềm lục địa
Rừng đại ngàn bạc vàng là thế
Phù sa muôn đời như sữa mẹ
Sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
Còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
Lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?
Lúc này ta làm thơ cho nhau
Đưa đẩy mà chỉ mấy lời ngọt lạt
Ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên…”
Đọc đoạn thơ này chúng ta có thể hiểu rằng: Tiềm lực đất nước chính là tài nguyên, khoáng sản, rừng vàng, biển bạc. Dường như đất nước nghèo khó là do con người chưa biết “đánh thức” những tài nguyên này, hay nói một cách dễ hiểu hơn là “khai thác”, “sử dụng”, “tiêu hao” nguồn tài nguyên ấy. Suy rộng ra một đất nước có tài nguyên nghèo nàn phải chăng sẽ là một nước nghèo?
Nhưng dường như thực tế về những nước giàu và nước nghèo trên thế giới lại đang chứng minh điều ngược lại.
Một đất nước có tài nguyên nghèo nàn phải chăng sẽ là một nước nghèo? (Ảnh: youtube.com)
Giàu tài nguyên chưa hẳn đã giàu có, khó tài nguyên chưa hẳn đã nghèo nàn
Điển hình như nước Cộng hòa Dân chủ Congo, một trong những quốc gia có trữ lượng quặng lớn nhất thế giới. Hơn nữa họ còn nắm giữ hầu hết trữ lượng quặng Coltan của thế giới, một thứ kim loại quan trọng được dùng chế tác những chiếc điện thoại di động. Nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên này lại do tầng lớp chóp bu nắm giữ và tiền chỉ đổ vào túi họ, người dân nghèo vẫn hoàn nghèo. Vậy nên sự giàu có từ quặng Coltan ngược lại lại giúp phiến quân Congo được trang bị súng ống hiện đại và nạn tham nhũng lan tràn khắp nơi trong mọi tầng lớp xã hội.
Trữ lượng dầu của Venezuela cao gấp 12 lần Qatar. Trong khi Qatar rất giàu có thì người dân Venezuela lại chìm đắm trong cảnh nghèo đói và phải vật lộn với miếng cơm manh áo từng ngày. Triều Tiên và Hàn Quốc là hai quốc gia tương đồng về văn hóa, địa lý và tài nguyên thiên nhiên. Nhưng thu nhập người dân Hàn Quốc lại cao gấp 10 lần thu nhập người dân Triều Tiên.
Hay sự khác biệt lớn về mức sống và dân trí giữa người Trung Hoa Đại Lục và người Hoa tại Singapore. Nửa thế kỷ trước, Singapore là một đất nước nghèo nàn với đa số người dân mù chữ và không có tài nguyên. Nhìn vào điều kiện tự nhiên của Singapore thời bấy giờ, đất nước này chỉ có diện tích khoảng 700 km2, rộng hơn Hà Nội một chút. Diện tích Hà Nội năm 1961 là 584 km2 theo cuốn Lịch sử Hà Nội của Papin Philippe năm 2001. Hiện nay dân số Singapore ước chừng khoảng 5,5 triệu người, thấp hơn dân số Sài Gòn ngày nay.
Trong khi đó, tài nguyên thiên nhiên của họ hoàn toàn không có gì, nguồn cấp nước thiếu thốn và gần như phải phụ thuộc hoàn toàn vào Malaysia. Nhớ lại những ngày đầu lập quốc, Singapore chỉ hy vọng một lúc nào đó sẽ phát triển giống như Sài Gòn (theo BBC). Thế nhưng ngày nay, họ đã trở thành cường quốc có nền giáo dục hàng đầu thế giới và là một trong bốn con rồng châu Á.
Nhật Bản cũng nằm trong danh sách những quốc gia nghèo tài nguyên và thường xuyên phải đối mặt với nạn động đất hàng năm. Vậy mà nền kinh tế và văn hoá Nhật Bản ngày nay vẫn khiến cả thế giới phải nghiêng mình nể phục.
Mặc dù nghèo tài nguyên và thường xuyên phải đối mặt với nạn động đất hàng năm, vậy mà nền kinh tế và văn hoá Nhật Bản ngày nay vẫn khiến cả thế giới phải nghiêng mình nể phục… (Ảnh: edu.tw)
Vậy những nhân tố nào mới là yếu tố then chốt quyết định tiềm lực một quốc gia?
Theo The School of Life Channel, nhân tố ảnh hưởng quan trọng và chi phối lớn nhất đến mức độ giàu mạnh của một quốc gia là “thể chế”. Những nước giàu thường có một thể chế tốt, trong khi các nước nghèo thì ngược lại. Vậy những đất nước có thể chế tốt đó đã gây dựng điều gì tốt đẹp cho con dân của mình?
Trọng dụng nhân tài
Nhân tài là yếu tố then chốt làm nên thành công của một quốc gia. Bởi vậy, rất nhiều người tài, có học vấn cao đã được tuyển chọn để nắm giữ những chức vụ trọng yếu trong bộ máy lãnh đạo của đất nước Singapore. Theo chính phủ Singapore: “Lãnh đạo xấu sẽ đuổi người tốt, người giỏi, không cho họ được giữ những chức vụ quan trọng”.
Hay giải thích một cách dễ hiểu hơn đó chính là “tư duy bè phái”. Ở những nước giàu có, điều bạn cần chỉ là trang bị cho mình những phẩm chất và năng lực cần thiết. Ứng viên không phải chuẩn bị “ô dù”, “bọc tiền to” để chạy chọt “cửa trước, cửa sau” hoặc móc ngoặc bất kỳ mối quan hệ cá nhân nào khác.
Nhưng ở các nước nghèo, dưới ảnh hưởng của tư duy kéo bè kéo phái, thì những ứng viên sáng giá lại bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Thay vào đó là những mối quan hệ “ruột thịt” hay “thân tình”, “cùng lý tưởng” hoặc “đôi bên cùng có lợi”. Kết quả là, các nước nghèo không chọn ra được những người thông minh và tài giỏi.
Lối tư duy này còn giúp nạn tham nhũng trở nên dễ dàng và trót lọt hơn với cả một hệ thống ê kíp che chở, bọc lót chặt chẽ cho nhau. Sự nghèo nàn lại thường gắn chặt với tham nhũng. Những nước giàu nhất trên thế giới có tỷ lệ tham nhũng ít nhất. Trong khi những nước nghèo nàn nhất lại có tỷ lệ tham nhũng đáng báo động. Đơn giản là khi các quốc gia có nạn tham nhũng, ngân sách nhà nước sẽ bị thất thoát và họ không thể xây dựng một thể chế vững mạnh. Vậy nên nghèo lại hoàn nghèo.
Nhân tài là yếu tố then chốt làm nên thành công của một quốc gia… (Ảnh: pinterest.com)
Đầu tư và coi trọng giáo dục một cách thích đáng
Hệ thống giáo dục được xem như là chìa khóa làm cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định về mặt chính trị. Việc đầu tư cho giáo dục có ý nghĩa to lớn đối với đất nước.
Trong một bài báo được đăng tải trên trang web của trung tâm Belfer Center thuộc Đại học Harvard, Giáo sư Calestous Juma, giám đốc dự án toàn cầu về Khoa học và Công nghệ, đã trích dẫn thông điệp của chính phủ Singapore về bí quyết thành công của đất nước Singapore nhỏ bé nhưng giàu mạnh này như sau: “Chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố quan trọng quyết định khả năng cạnh tranh của quốc gia. Đó là sự sáng tạo, mô hình kinh tế, kinh doanh, khả năng làm việc nhóm và nguyên tắc làm việc”.
Để xây dựng được nguồn nhân lực ấy, Singapore rất chú trọng đầu tư vào giáo dục. Singapore ngày nay tự hào là một quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới và là hình mẫu cho nhiều quốc gia khác học tập.
Chúng ta có thể bắt gặp những trường đại học danh tiếng trên đất nước nhỏ bé này như: Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) được thành lập vào năm 1905, Trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) được thành lập vào năm 1981 và Trường Đại học Quản trị Singapore được thành lập năm 2000. Bên cạnh đó, Singapore cũng là nơi được nhiều trường đại học quốc tế từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển bậc nhất thế giới lựa chọn để đặt trụ sở. Ví như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) với tên Singapore MIT Alliance tại Singapore hay trường Đại học Stanford (Mỹ) với tên Singapore Stanford Partnership tại Singapore.
Nhật Bản cũng là một đất nước nghèo tài nguyên nhưng lại có một thứ tài nguyên đặc biệt không nghèo đó là “con người”. Suốt hàng thế kỷ qua chính phủ Nhật Bản đã tạo lập ra hệ thống có thể đào tạo một lực lượng lao động hiệu quả cao, đưa đất nước tiến tới hiện đại hóa.
Đại học quốc gia Singapore (NUS) thường xuyên góp mặt trong top 20 trường đại học danh tiếng nhất thế giới. (Ảnh: seafoodnet.info)
Phát triển nền kinh tế tự do
Theo nhà kinh tế học Adam Smith, mấu chốt của sự khác biệt giữa quốc gia giàu có và quốc gia nghèo nàn rất đơn giản: Đó là sự tự do kinh tế.
Ông chia sẻ: “Điều kiện tiên quyết để đưa một quốc gia từ mức độ man rợ thấp nhất đến phồn thịnh cao nhất là không gì khác ngoài hòa bình, thuế khóa vừa phải, và một chính quyền tôn trọng công lý. Mọi điều còn lại là do quá trình tự nhiên của sự vật đem tới”.
Một quốc gia thực sự tự do phát triển kinh tế chỉ có thể được vận hành một thể chế tốt, tôn trọng quyền công dân, biết lắng nghe và sửa sai khi cần thiết. Ví dụ điển hình là chính phủ Mỹ, một trong những nền kinh tế thịnh vượng bậc nhất thế giới.
Giữ gìn truyền thống văn hoá và tôn trọng tín ngưỡng
Trọng dụng nhân tài, coi trọng giáo dục một cách thích đáng, phát triển nền kinh tế tự do là bề nổi mà chúng ta có thể nhìn thấy. “Tảng băng chìm” thực sự chính là sự kết hợp giữa văn hoá truyền thống và tín ngưỡng chân chính. Chính điều này đã hun đúc lên những người con thông tuệ, có nhân cách cao thượng, vị tha và luôn biết chăm lo đến hạnh phúc của xã hội.
Sau khi giành độc lập từ nước Anh, chính phủ Singapore đã xây dựng một nền giáo dục song ngữ Anh – Trung. Bởi lẽ nếu Singapore chỉ dùng tiếng mẹ đẻ, thì một đất nước nhỏ như vậy sẽ gặp rất nhiều trở ngại khi tiến ra thị trường quốc tế. Nhưng nếu chỉ tập trung vào đào tạo bằng tiếng Anh, thì tinh thần dân tộc và bản sắc văn hoá của Singapore sẽ bị mai một.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng rất thành công trong việc kết hợp các yếu tố hiện đại và truyền thống. Họ sẵn sàng tiếp nhận những điều mới mẻ, hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được bản sắc của dân tộc mình.
Ở cấp độ cá nhân, người Nhật Bản ngày nay được đánh giá chủ yếu dựa vào học vấn chứ không phải địa vị gia đình, địa vị xã hội và thu nhập. Cũng cần nói rằng, đạo Khổng đã đem lại cho Nhật bản xưa và nay tư tưởng pháp lý xã hội không dựa trên địa vị xuất thân, dòng dõi mà là giá trị qua thi cử.
Người Nhật Bản ngày nay vẫn rất coi trọng các giá trị truyền thống nhất là đạo Khổng… (Ảnh: youtube.com)
Người Nhật quan niệm “Vạn vật hữu linh”. Họ không chỉ quảng bá văn hóa và tôn giáo của mình ra thế giới bên ngoài, mà còn tự “nâng cấp” nó ngay trong lòng mỗi người dân. Chính điều này đã khiến Thần Đạo thấm nhuần trong từng khía cạnh của đời sống.
Người Nhật có câu: “Nếu là hoa, nguyện làm hoa anh đào; Nếu là người, nguyện một kiếp Samurai”, bởi vẻ đẹp của hoa anh đào phản ánh chính xác tinh thần võ sĩ đạo. Đó chính là tinh thần Samurai đoàn kết, hy sinh vì người khác, cống hiến hết mình và coi nhẹ cái chết. Chính điều này đã tạo nên sức mạnh to lớn góp phần giúp Nhật Bản vực dậy sau rất nhiều nỗi đau thương mất mát trong quá khứ.
Có 7 quy tắc đạo đức mà các võ sĩ Samurai ở Nhật Bản thời trung cổ phải tuân theo, và nó phản ánh tinh thần võ sĩ đạo rất mạnh mẽ, chính trực và thanh tao: Công lý, nhân từ, can đảm, tôn trọng, chân thành, danh dự, tận tâm.
Tinh thần võ sĩ đạo chính là triết lý của người Nhật Bản, là kim chỉ nam về cách làm người, cách sống và cách chết sao cho xứng đáng. Hiếm có một dân tộc nào lại coi trọng cái chết như Nhật Bản, và cũng bởi họ coi trọng nó nên họ không sợ chết và có trách nhiệm khi còn sống. Đây là do ảnh hưởng sâu sắc từ tín ngưỡng Thần Đạo và Phật giáo lâu đời của cả dân tộc.
Các nước nghèo thường có xu hướng xem nguồn tài nguyên là “quân át chủ bài”. Nguồn tài nguyên thiên nhiên này có “hiệu ứng khuếch đại” như các nhà kinh tế mô tả. Chúng có thể giúp một quốc gia có thể chế tốt giàu có hơn, nhưng lại có thể làm một quốc gia với thể chế tồi nghèo nàn hơn. Đây được gọi là “bẫy tài nguyên”.
Nguồn tài nguyên thiên nhiên này có thể giúp một quốc gia có thể chế tốt giàu có hơn, nhưng lại có thể làm một quốc gia với thể chế tồi nghèo nàn hơn… (Ảnh: twoeggz.com)
Từ đó có thể thấy rằng “tiềm năng” của một quốc gia không phải tài nguyên thiên nhiên, không phải rừng vàng biển bạc, mà yếu tố cốt lõi chính là “con người”. Người có tài mà không có đức ắt sẽ gây hoạ loạn cho thế gian và tự rước vạ vào thân. Kẻ bất tài mà ngồi ngôi cao ắt nhiễu nhương xã hội, phúc mỏng mà thiệt thân.
Vậy nên thực sự muốn đánh thức tiềm năng của đất nước, trước hết mỗi người phải tìm về những giá trị đạo đức truyền thống và niềm tin vào tín ngưỡng chân chính để tu sửa và hoàn thiện chính bản thân mình. Trước là “tu thân” sau mới có thể “tề gia, trị quốc”, mang lại thái bình, ấm no cho xã hội.
Thiên Hà

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 06/7/2024 thứ bảy