Ngày 06 tháng 12 năm 2022 thứ ba

 Ngày 06 tháng 12 năm 2022 thứ ba, trời rét nhiệt độ 10-14 độ C, độ ẩm 62%. Sáng nay mẹ Quỳnh đi làm ca 6h đến 17h.Vào 4:47 tôi dậy thể dục quanh ngách 25 ngõ 3, nơi giáp ranh với khu biệt thự Phú Thịnh có 2 hàng cháo lòng ăn sáng, tiếp tục đi bộ qua Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, Phó Đức Chính, vườn hoa Vạn Xuân, sau đó như buổi sáng đưa chị Vy đi học bằng xe đạp điện; Rồi sang nhà Hải sắt uống trà nghe các ông Long, Ngọc, Hải nói về những lí do nên & không nên tổ chức bữa cơm tất niên 2022 cũng như việc NHẬN TIỀN ỦNG HỘ sao cho hợp nhẽ...sau đó bàn trà trở lại nghe thời sự & xem lại cúp bóng đá tại Qatar với 1/16 đội loại trực tiếp Brazil – Croatia vào vòng sau. 7:30 Kiên dậy ăn sáng nghe bà nội đọc truyện tranh đến 8h đi học cùng bố. Tranh thủ rảnh dỗi tôi tổng vệ sinh trang phục vắt máy, tắm nóng vì sáng nay trời có ấm hơn một chút...10h bà chủ về cho biết ông ĐươngVăn Cường gửi anh bản giấy khai sinh để hỏi việc làm thẻ CCCD chíp, tôi chụp ảnh và đề nghị ông Cương CS khu vực Ninh Tĩnh giúp.

Chào ông cảnh sát khu vực Ninh Tĩnh, tôi có người em vợ là Dương Văn Cường sinh ngày 10/6/1961 tại thị xã Sơn Tây, lúc này bố mẹ ông Cường ở tại 106 Hậu Tĩnh khu phố 1 nay là phố Lê Lợi, sau khi đi trại về không làm thủ tục nhập khẩu cho đến nay. Hiện hộ khẩu gốc của bố mẹ (khi còn sống hai cụ Dương Hữu Toán & cụ Hoàng Thị Cọn, nay ông anh trưởng Dương Ngọc Bích ở ngõ 157 Lê Lợi đang giữ); Vợ ông Cường là bà Lê Thị Loan hiện có đăng kí hộ khẩu tại 106-108 Lê Lợi cùng hai con là Vân & Hằng, nay các cháu đã chuyển khẩu về nhà chồng.

Tôi xin chuyển bức ảnh GIẤY KHAI SINH của ông Cường đến ông; Xin ông cho biết thủ tục, quy trình  làm thẻ CCCD với ông Cường. Xin chân thành cám ơn!. Chưa đầy nửa giờ sau ông Cương gọi qua Zalo mời gia đình & ông Cường ra CA phường để được hướng dẫn giải quyết, bà Tháp ra nhờ ông Bích gọi cho ông Cường khi lên mang theo GĐKKH & sổ HK của bà Loan.


Bí ẩn Hoàng thành Thăng Long vẫn chờ giải mã

Dấu tích sân Đan Trì.
Dấu tích sân Đan Trì.
0:00/0:00
0:00
(PLVN) -  Cuộc khai quật khảo cổ năm 2022 tiếp tục phát hiện nhiều tư liệu mới giúp hiểu sâu sắc thêm các di tích khảo cổ ở khu vực trung tâm qua hàng nghìn năm lịch sử, qua đó phát hiện thêm nhiều giá trị của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long. Đặc biệt, nhiều tư liệu mang tính xác thực cao góp phần khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên.

Phát lộ dấu tích kiến trúc các thời kỳ

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Viện Khảo cổ học vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2022” với tổng diện tích gần 1.000m2.

Hố khai quật năm 2022 nằm ở khoảng giữa nền điện Kính Thiên và di tích Đoan Môn. Kết quả khai quật tiếp tục làm phát lộ dấu tích kiến trúc của các thời kỳ Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng, Nguyễn.

Các nhà khảo cổ tiếp tục làm phát lộ dấu tích sân Đan Trì đường Ngự Đạo thời Lê sơ và Lê Trung hưng. Đặc biệt, các hố thám sát ở nhà Cục Tác chiến, lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê Sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh Ngự Đạo lại có thêm một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn; hố thám sát ở giữa lòng nhà xuất lộ hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều Đông – Tây có khả năng là hàng gạch bó nền ngăn sân Đại Triều làm 2 cấp khác nhau. Điều này đang được nghiên cứu thêm.

Theo sử cũ, vào thời Lê sơ và Lê Trung hưng có sân Đan Trì (hay sân chầu, sân Đại Triều, sân điện Kính Thiên) là nơi diễn ra các nghi lễ quốc gia quan trọng nhất của đất nước. Các cuộc khai quật thăm dò tại đây đều tìm thấy dấu vết sân Đan Trì. Dấu tích sân Đan Trì thời Lê Trung hưng nằm trong lớp văn hoá Lê Trung hưng. Dấu vết nền sân phân bố rộng khắp hố khai quật. Dấu tích đã bị đào phá rất mạnh tại nhiều vị trí bởi các hoạt động/công trình giai đoạn sau (thời Nguyễn, thời Pháp thuộc, thời hiện đại). Sân Đan Trì chạy theo hướng Bắc – Nam, trải dài từ thềm rồng điện Kính Thiên tới cổng Đoan Môn, được dấu vết móng đầm gia cố trục Ngự đạo phân chia thành 2 khu vực: phía Đông và phía Tây. Sân Đan Trì gồm có móng sân và mặt sân.

Các dấu tích kiến trúc thời Lý, Trần cũng tiếp tục được làm sáng tỏ hơn như; dấu tích bức tường lớn chạy theo chiều Đông Tây với nhiều lần cải tạo mở rộng, bức tường này có thể bao quanh khu vực tương đối lớn và có nhiều kiến trúc quan trọng, vì thế người xưa đã mở nhiều cống nước đi qua chân tường đổ vào đường nước lớn, đáy cống được làm bằng đá phiến có đục 2 lỗ vuông có thể được dùng để cài song sắt chống đột nhập. Ngoài ra còn có dấu tích móng cột kiến trúc còn nguyên chân tảng đá hoa sen, nền lát gạch vuông còn lại khá nguyên vẹn.

Bên cạnh các dấu tích kiến trúc, cuộc khai quật cũng thu được nhiều loại hình gạch, ngói, gốm men, gốm sành liên quan đến quá trình phát triển kiến trúc và đời sống Hoàng cung nơi đây.

Nhiều gợi ý mới cho khai thác giá trị di sản

Bên cạnh các phát hiện mới trên đây, cuộc khai quật cũng phản ánh dưới lòng đất khu vực Trung tâm còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã trong thời gian tới: cấu trúc chi tiết và tổng thể của Đan Trì như thế nào? Các cấp nền Đan Trì cao thấp và quy mô phân cấp đến đâu? Các làn đường nhỏ trên sân Đan Trì đã phát hiện, dấu tích có còn ở hướng Bắc và hướng Nam không?

"Rõ ràng, cấu trúc Ngự đạo, Đan Trì phức tạp hơn nhận thức trước đây của chúng ta rất nhiều. Và như thế, cấu trúc tổng thể của Đan Trì và cấu trúc tổng thể của không gian rộng 35.000 mét vuông tại đây hẳn sẽ còn nhiều điều thú vị hơn nữa mà ta chưa thể biết ngay được" - PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phụ trách công trường khai quật cho hay. Ông Tín nói thêm: "Nhưng chính việc giải mã những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta ngày càng hiểu sâu sắc hơn về cấu trúc và phạm vi của Chính điện Kính Thiên thời Lê. Mặt khác, sự thay đổi, chồng xếp vô cùng phức tạp của các dấu tích qua các thời kỳ lịch sử lại mở ra nhiều gợi ý mới cho những nghiên cứu lâu dài, nhằm làm sáng rõ hơn các giá trị nổi bật của Hoàng thành Thăng Long".

Mặt bằng thời Lý với sự xuất hiện nhiều dấu tích kiến trúc phía trong đường nước và tường bao tăng độ khó hiểu cho mặt bằng và chức năng của các di tích thời Lý ở đây. Hơn nữa, hầu hết quy mô và cấu trúc của kiến trúc Lý đều chưa được làm rõ. Mặt bằng và các di tích thời Trần càng rắc rối và khó hiểu, nếu không nói là khó hiểu nhất ở khu vực này cũng như trong tổng thể Di sản bởi nhiều lý do khách quan. Tuy nhiên, câu chuyện về các di tích khảo cổ học xưa nay luôn là như vậy, vẫn luôn luôn cần nghiên cứu từng bước.

Nhằm làm sáng rõ thêm những giá trị nổi bật tại khu vực, hướng tới mục tiêu trước mắt là hoàn trả không gian Chính điện Kính Thiên, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng: “Cần chú ý tới công tác nghiên cứu, khai thác các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, giúp nhận diện đầy đủ những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học và những giá trị tiềm năng khác của Khu di sản, phục vụ hiệu quả cho việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù để thu hút du khách cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục di sản”.

Có thể thấy, với những phát hiện khảo cổ học quan trọng năm 2022, đã cho chúng ta ngày càng hiểu sâu sắc hơn về cấu trúc và phạm vi của khu vực Chính điện Kính Thiên thời Lê. Mặt khác, sự thay đổi, chồng xếp vô cùng phức tạp của các dấu tích qua các thời kỳ lịch sử ở khu vực Trung tâm mang lại những nhận thức mới cũng như nhiều gợi ý mới cho nghiên cứu lâu dài, khoa học nhằm làm sáng rõ hơn giá trị nổi bật toàn cầu di sản theo khuyến nghị UNESCO.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 06/7/2024 thứ bảy