Chuyển đến nội dung chính

CHÀO THỨ HAI ngày 23/5/2016

Ngày 23/5/2016 thứ hai, trời mát. U3 Quỳnh Hoa gọi điện thông báo không sửa hộ khẩu 1952 cho bà Tháp, tôi đã gọi lại với lý lẽ cứng rắn để ngày mai gặp lãnh đạo phòng Hành là chính yêu cầu được trả lời bằng văn bản…


Những lợi ích chung trong quan hệ Việt-Mỹ

NGHĨA NHÂN thực hiện - Thứ Hai, ngày 23/5/2016 - 02:45
(PL)- Việt Nam đủ mạnh để Mỹ và các nước khác cần. Cân bằng giữa quan hệ Việt-Mỹ và quan hệ với nước khác.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam (VN), PGS-TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, nhận định: Chuyến thăm được thực hiện khi đôi bên cân đối các vấn đề đối nội, đối ngoại. Nhìn tổng thể, quan hệ Việt-Mỹ đã mở rộng trên hầu hết lĩnh vực và điều chỉnh những khác biệt để gần nhau hơn: Giải quyết hậu quả chiến tranh có bước tiến, TPP đôi bên hoàn tất đàm phán, chia sẻ quan điểm chung về một số vấn đề khu vực, không chỉ về hợp tác thương mại như trước đây mà đã đi vào lĩnh vực nhạy cảm, cần có sự tin cậy cao như hợp tác an ninh, quốc phòng. Đôi bên ký được cam kết chính trị bằng bản ghi nhớ 2011, rồi tuyên bố tầm nhìn 2015...
Điều chỉnh những khác biệt
. Phóng viên: Khác biệt về thể chế chính trị được tháo gỡ thế nào trong quá trình đó, thưa ông?
+ PGS-TS Cù Chí Lợi: Năm 2013, đôi bên đã đạt được thỏa thuận quan trọng về chính trị trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ. Theo đó, phía Mỹ tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền cũng như hệ thống chính trị VN. Nhiều bộ trưởng các bộ quan trọng của VN đã thăm Mỹ và sau đó là chuyến thăm mang tính biểu tượng cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015.
Khác biệt thì vẫn còn nhưng nhìn tổng thể, đôi bên đều có những điều chỉnh. Ta sửa Hiến pháp, đặt lên cao tầm quan trọng của quyền con người, quyền công dân. Liền tiếp theo là thực thi trên thực tế, ví dụ như việc minh oan cho ông Chấn, ông Nén... Sự phát triển ấy của chúng ta là tự nhiên vì chính lợi ích của người dân trong nước. Nhưng phải nói rằng nếu không có những sự thay đổi tích cực ấy thì sẽ không thể có những chuyến thăm viếng cấp cao Việt-Mỹ thế này.
. Hiện nay trên những tài liệu chính thức không còn nói tới nguy cơ Mỹ lật đổ, phá hoại chế độ chính trị VN, thế nhưng đâu đó vẫn còn những lo ngại về khả năng này. Là nhà quan sát, ông bình luận thế nào?
+ Tôi không nghĩ người Mỹ thời điểm này có lợi ích gì để lật đổ chính quyền VN. Ai còn nghĩ vậy là chưa hiểu rõ mục đích của Mỹ trong quan hệ với VN.
Tổng thống - người đứng đầu một cường quốc như Mỹ đã tuyên bố tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị một nước nào đó thì đó là cam kết, không thể nói thế này, làm thế khác. Thứ nữa, với VN, tin rằng nước Mỹ không có lợi ích gì, thậm chí còn bất lợi nếu can thiệp theo kiểu phá hoại, lật đổ. Đại sứ Mỹ tại VN nhiều lần tuyên bố muốn một nước VN độc lập, hùng cường.
. Ông có tin vào lời tuyên bố ấy?
+ Tin hay không hãy nhìn vào lợi ích nước Mỹ, nhìn vào những hành động thực sự của họ thời gian qua với VN và khu vực. Tôi thấy đều tích cực cả.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại Nhà Trắng ở thủ đô Washington D.C trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hợp chúng quốc Hoa Kỳ năm 2015. Ảnh: TTXVN
Lợi ích đôi bên
. Còn lợi ích của chúng ta trong thúc đẩy quan hệ với Mỹ?
+ Rất rõ. Trước hết về kinh tế, Mỹ là thị trường lớn nhất thế giới và đang là đối tác thương mại số 1 của VN. Giao lưu văn hóa, giáo dục cũng rất lớn. VN là nước có số du học sinh ở Mỹ lớn nhất so với các nước Đông Nam Á. Quan trọng nữa là vai trò đặc biệt của Mỹ trong duy trì trật tự thế giới, trật tự khu vực. Mà chúng ta lại đang đứng trước bao thách thức về an ninh trong khu vực… Cho nên, quan hệ tốt đẹp với Mỹ đang và sẽ mang lại lợi ích to lớn cho VN.
. Chúng ta từng nghe nói nhiều tới “hội chứng VN” ở Mỹ. Nhưng gần đây còn có những ý kiến về “hội chứng Mỹ” ở VN. Là nhà quan sát, ông thấy thế nào?
+ Thì cũng giống nhau thôi. Ở ta cũng có những người do ảnh hưởng từ thời chiến tranh mà nhìn nhận Mỹ với sự e dè, thậm chí thù địch. Nhưng tôi cho là mọi người nên gác chuyện đó sang một bên, hướng tới sự phát triển quan hệ hai quốc gia. Quan hệ ngày càng phát triển tốt hơn thì hội chứng đó ở cả hai bên sẽ càng bớt đi.
. Trong giới học giả, giới nghiên cứu quan hệ Việt-Mỹ, “hội chứng Mỹ” ấy còn nhiều không?
+ Năm ngoái, chúng tôi có điều tra xã hội học về quan hệ Việt-Mỹ. Kết quả không khác mấy nghiên cứu của quốc tế. 90% người được hỏi đều mong muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ. Kết quả cuộc điều tra khác do phía Mỹ thực hiện là hơn 80%... Tất cả đều cho thấy VN là quốc gia Đông Nam Á có tỉ lệ ủng hộ quan hệ với Mỹ cao nhất. Điều đó cũng phản ánh đúng văn hóa người Việt: Cởi mở, sẵn sàng gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Tự tin vào vị thế Việt Nam
. Ý nghĩa của việc xác định quan hệ đối tác toàn diện là gì, thưa ông?
+ Quan hệ Việt-Mỹ tốt lên trong bối cảnh tình hình khu vực thay đổi khiến đôi bên thấy cần có nhau. Khi đôi bên xác định quan hệ là đối tác toàn diện thì đã là khác trước nhiều lắm rồi. Đối tác là đã có những chia sẻ giá trị, lợi ích với nhau. Có thay đổi thì dẫn tới đối tác, có quan hệ đối tác rồi thì sẽ thúc đẩy cho những thay đổi tiếp theo. Logic vấn đề là thế và không thể đảo ngược, cho dù giữa đôi bên còn những khác biệt.
. Ông có nói là “thời điểm này” Mỹ không có lợi ích gì để chống phá, lật đổ thể chế chính trị VN. Điều đó sẽ kéo dài bao lâu?
+ Lợi ích của Mỹ về một VN độc lập, hùng mạnh có từ lâu rồi. Vì thế họ mới thúc đẩy quan hệ với ta 20 năm qua chứ. Và xu hướng này vẫn sẽ tiếp diễn, ít nhất 10 năm nữa. Điều đó sẽ không có giới hạn nếu đôi bên biết ủng hộ lợi ích của nhau.
Dự đoán thì luôn khó khăn. Nhưng nếu những vấn đề khu vực vẫn như hiện nay, hay có vận động bất lợi hơn thì sẽ tác động mạnh tới quan hệ Việt-Mỹ.
. Quan hệ đôi bên được thế này, nếu phân tích theo lực đẩy từ phía ta và lực kéo từ phía Mỹ  thì thế nào?
+ Tôi cho là đôi bên đều tìm thấy lợi ích trong quan hệ ấy. Một quốc gia có vị trí địa chính trị đặc biệt, lịch sử đặc biệt, với dân số hướng tới 100 triệu, nền kinh tế tăng trưởng khá, thể chế chính trị mạnh mẽ… như chúng ta thì luôn có sức hấp dẫn. Xét tổng thể sức mạnh quốc gia, VN trong khu vực này là được đánh giá cao.
Cho nên nói rằng mình bị lôi kéo là ta tự đánh thấp vai trò, sức mạnh của mình. VN đủ mạnh để Mỹ và các nước khác cần.
. Xin cám ơn ông.
Cân bằng giữa quan hệ Việt-Mỹ và quan hệ với nước khác

Dù đảng Cộng hòa hay Dân chủ, dù bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump thắng cử thì truyền thống nước Mỹ luôn đảm bảo tính kế tục trong chính sách, đặc biệt là trong đối ngoại. Đấy là bộ mặt của nước Mỹ, tạo nên sức mạnh, vai trò của nước Mỹ. 10 năm qua, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Obama đã có những điều chỉnh với chính sách đối ngoại mềm dẻo hơn trước. Bầu cử lần này là dịp để nước Mỹ nhìn lại và có thể điều chỉnh cho 10 năm tiếp theo, có thể khẳng định hơn nữa sức mạnh của mình.
Nhưng dù kết quả bầu cử thế nào thì tôi tin rằng quan hệ Việt-Mỹ thời gian tới vẫn tốt lên. Chúng ta đang là đối tác quan trọng của Mỹ và kể cả những người thận trọng nhất cũng thấy được vai trò của VN trong chiến lược khu vực của Mỹ, nhất là khi gắn với chính sách xoay trục của nước này.
Ở một góc độ khác, chúng ta luôn khẳng định VN không vì gần gũi hơn với Mỹ mà làm hại cho ai khác. Về cơ bản, chiến lược đối ngoại, chiến lược an ninh, quốc phòng của ta vẫn là chiến lược tự vệ. Hợp tác với Mỹ cũng nằm trong mục tiêu đó.
PGS-TS CÙ CHÍ LỢI
NGHĨA NHÂN thực hiện

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 19 tháng 9 năm 2024, thứ năm