Ngày 16 tháng 11 năm 2019 thứ bảy
Ngày 16 tháng 11 năm 2019 thứ bảy,
độ ẩm 73%, với 29-21 độ C, trời khô hanh, 4:30 tôi cho con Sói đi vệ sinh khu
bãi đất trống phía sau NVH Ninh Tĩnh, thể dục trong SVĐ, qua thành cổ, về gặp
bố con ông Ngọc & cùng đi ăn sáng quán bún bà Sơn – Hà đầu ngõ, tranh thủ
tổng vệ sinh trang phục, 9h cùng bà Thịnh sang thăm bà Đông 18/40/3LL tặng quà
của MTTQ phường, bàn việc thăm một người ốm nặng trong viện 105 tặng quà của MT
thị xã cấp, vì bận đón cháu nên đề xuất ông Ngọc đi thay. Chiều nay Hoàng Kiên
cùng mẹ về chơi với Hà Vy…
Chủ tịch Hà Nội nói về nghi vấn lợi ích nhóm trong dự án nước sạch
Cử tri Trần Ngọc Toán nêu vấn đề Nhà máy nước mặt sông Đuống tính giá thành sản phẩm cao, đề nghị thành phố minh bạch công tác quản lý, tránh gây nghi ngờ vì lợi ích nhóm mà "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".
Ông Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri Hoàn Kiếm chiều 15/11. Ảnh: Võ Hải.
|
Giải đáp ý kiến trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, trước năm 2016 thành phố có 12 nhà máy nước, trong đó có nhà máy nước mặt sông Đà. Tổng công suất nước sạch các nhà máy đạt gần 700 nghìn mét khối một ngày đêm, đáp ứng 38% nhu cầu toàn thành phố. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư, huy động mọi nguồn lực tham gia xây dựng hệ thống cấp nước và các doanh nghiệp đã đề xuất dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.
Có bốn nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà máy sông Đuống, gồm một quỹ đầu tư của Oman, doanh nghiệp Aqua One, Nhà máy nước sạch số 2 (10%) và một đơn vị khác (5%).
Vừa qua quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan. Ông Chung cho rằng việc các quỹ đầu tư mua bán phần vốn của doanh nghiệp tại dự án, công trình "là bình thường, nên khuyến khích" và cũng cho thấy sự tin tưởng của doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội.
"Tôi khẳng định với cử tri, nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước hiện đại nhất Việt Nam và Đông Nam Á", ông Chung nói. Theo ông, Aqua One là công ty từng làm nhà máy nước lớn nhất miền Nam tại Long An và "thành phố đã chọn những nhà đầu tư có năng lực để làm".
"Không có chuyện bù lỗ"
Với giá nước tối đa tạm tính của nhà máy nước mặt sông Đuống là 10.246 đồng mỗi m3, cao gấp đôi so với mức 5.069 đồng mỗi m3 của nhà máy sông Đà, Chủ tịch Hà Nội lý giải đây là giá tạm tính phục vụ cho doanh nghiệp lập dự án đầu tư, khi dự án hoàn thành mới quyết toán toàn bộ công trình và mới có giá thành chính thức.
Trả lời câu hỏi việc dự án sông Đuống vay tới 80% số tiền đầu tư tác động đến giá thành bán nước như thế nào, ông Chung cho biết, doanh nghiệp vay vốn là chuyện bình thường và họ phải chấp nhận nếu có rủi ro. Tổng mức đầu tư doanh nghiệp đưa ra mới là dự toán, khi quyết toán công trình có thể sẽ thấp hơn, cũng có thể cao hơn, quyết toán xong mới cấu thành giá thành và thành phố mới ký chính thức. Còn thành phố "chắc chắn không bao giờ bù giá" nếu doanh nghiệp lỗ.
"Tôi khẳng định không ai có lợi ích nhóm ở đây cả, thành phố làm mọi cách, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này giải quyết nước cấp bách cho người dân trong những năm vừa qua. Không phải là nhà máy nước mặt sông Đuống mà tất cả các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố, ở các lĩnh vực đều được coi trọng và đều được tạo mọi điều kiện", ông Chung nói.
Liên quan việc tính giá nước, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà tại cuộc họp báo hôm 12/11 lý giải, nguyên tắc tính giá của các nhà máy là giống nhau. Tuy nhiên, các nhà máy có công nghệ khác nhau, mức đầu tư khác nhau dẫn đến giá thành sản phẩm khác nhau.
Ông dẫn chứng năm 2009 Nhà máy nước sạch sông Đà có giá trị 1.555 tỷ đồng, còn Nhà máy nước sạch sông Đuống hiện nay có tổng đầu tư tới gần 5.000 tỷ đồng. Theo ông Hà, thành phố hiện chỉ quy định một mức giá bán nước sạch đến người sử dụng theo biểu giá ban hành năm 2013. Cụ thể là 5.973 đồng mỗi m3 đối với 10 m3 đầu tiên; từ trên 10 m3 đến 20 m3 là 7.052 đồng; trên 20 m3 đến 30 m3 là 8.669 đồng và trên 30 m3 là 15.929 đồng.
Việc một số đơn vị bán lẻ nước sạch cho rằng giá bán buôn của Nhà máy sông Đuống đang cao hơn giá bán lẻ, ông Hà cho biết, theo quy định bên bán và bên mua tự thoả thuận giá, nếu không thoả thuận được thì Sở Tài chính Hà Nội mới đứng ra hiệp thương. Vừa qua, Sở đã tổ chức hiệp thương trên nguyên tắc "giá bán buôn không được cao hơn giá bán lẻ". Trên cơ sở ý kiến các bên, liên ngành đã xác định giá tạm tính là 7.700 đồng.
Theo Quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng phê duyệt năm 2013, thủ đô sẽ có 3 nhà máy nước mặt gồm Nhà máy nước sông Đà, Nhà máy nước sông Hồng và Nhà máy nước sông Đuống.
Quy hoạch này xác định Nhà máy nước sông Đuống có nhiệm vụ cấp nước sạch sinh hoạt cho khu vực trung tâm phía đông bắc Hà Nội (quận Long Biên, huyện Gia Lâm, một phần huyện Đông Anh); khu vực nam Hà Nội (một phần quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai); đô thị vệ tinh Phú Xuyên và vùng nông thôn liền kề. Ngoài ra nhà máy này còn cấp nước cho một số khu vực của tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên.
Từ quy hoạch của Chính phủ, năm 2016, UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư Nhà máy nước sông Đuống. Theo chủ trương đầu tư của thành phố, giai đoạn 1 của Nhà máy nước sạch sông Đuống (đến năm 2020) đạt công suất 300.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 đến 2025 đạt công suất 600.000 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 3 đến 2030 đạt công suất 900.000 m3 mỗi ngày đêm.
Dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang cấp khoảng 120.000 m3 mỗi ngày đêm.
Võ Hải
Nhận xét
Đăng nhận xét