Ngày 19 tháng 01 năm 2023 thứ tư

 


Ngày 19 tháng 01 năm 2023 thứ tư, HAI MƯƠI tám TẾT QUÝ MÃO trời sáng KHÔNG MƯA & gió nhẹ  nhiệt độ 09-17 độ C, độ ẩm 52%.Vào 4:48 tôi dậy thể dục quanh ngách 25 ngõ 3, nơi giáp ranh với khu biệt thự Phú Thịnh có 2 hàng cháo lòng ăn sáng, tiếp tục đi bộ qua Đinh Tiên Hoàng, Phùng Hưng, Phó Đức Chính, vườn hoa Vạn Xuân, sau đó qua Lê Lợi rẽ ngõ ba về nhà trước 6h. Sáng nay bà đi chợ sớm mua đồ tết, các bạn đều dậy muộn tự nấu ăn sáng, tôi ngồi trông nhà không đi uống trà nhà Hải sắt. Hai hàm răng giả mới dùng được hàm dưới, hàm trên chưa nhai được vì nó lỏng lẻo(sáng mai 29 tết 8h ông Sơn hẹn xuống kiểm tra lại hàm trên). Bố Thao vẫn đi lắp dây mạng, mẹ Quỳnh cũng đi chợ sắm đồ. Vẫn ăn cơm muộn như mọi ngày, tôi đã nhắn tin cho các con làm cơm cúng trưa ba mươi tết. 15h ba mẹ con Kiên đi chơi trong ông bà ngoại, bố Thao cũng vào Xuân Sơn lắp dây mạng. Tôi chuyển nơi cắm Wifi từ bếp ra phòng khách cho dễ sử dụng. 15h ba mẹ con đi chợ sắm tết để dùng trong ông bà ngoại Z175, tôi in lịch mấy ngày tết để bà chủ vận dụng...


 

Hương Tết xưa trong lòng đô thị hiện đại

19/01/2023 11:41 | 0

(HNMCT) - Cuộc sống hiện đại hàm chứa sự đổi thay, một trong những điều dễ thấy là cách người ta “ăn” Tết. Tết nay náo nhiệt hơn, hướng ngoại nhiều hơn, thế nhưng trong cái ồn ào ấy vẫn có một thứ không thay đổi, đó là giá trị truyền thống. Tết cổ truyền với phong tục, màu sắc, hương vị truyền thống vẫn hiện hữu trong lòng đô thị hiện đại.

Tết đến mang theo những mong ước, hy vọng về sự no ấm, đủ đầy. Ảnh: Kha Chu Long

Những cái Tết đầy lưu luyến

Cụ Nguyễn Ánh Tuyết, người đã sống trên phố Lãn Ông (quận Hoàn Kiếm) gần một thế kỷ chép miệng, thở dài khi thấy những chiếc xe tải chở đào rừng về chợ hoa Hàng Lược phục vụ người Hà Nội sắm Tết. Cụ bảo: “Người Hà Nội xưa chọn đào kén lắm. Phải là đào Nhật Tân cánh dày, bông to, đậm màu chứ không chọn loại cánh mỏng manh, màu không thắm như đào rừng”. Có lẽ cụ đang tiếc nuối về những cái Tết xưa, khi phố phường chưa ồn ào đông đúc như bây giờ và làng hoa Nhật Tân vẫn còn mênh mông những gốc đào.

Giống như cụ Tuyết, trong hoài niệm của nhiều người Hà Nội, Tết xưa tuy thiếu thốn nhưng niềm vui, sự háo hức mong chờ Tết thì luôn đong đầy. Biểu hiện đầu tiên và rõ nhất là sự tươm tất. Tươm tất từ cách trang hoàng nhà cửa, ăn mặc, đi lại, nói năng cho đến cỗ bàn, nghi lễ. Tươm tất trong cả những mong ước, hy vọng về sự no ấm, đủ đầy.

Nhắc đến Tết xưa, nhiều người lại nhớ quay quắt những tháng ngày “chạy Tết”. "Chạy” từ miếng thịt, cân nếp, miếng bóng sao cho mâm cỗ đủ đầy tròn ba ngày Tết. Thịt thà chưa ê hề như bây giờ, người ta mong chờ đến Tết để được ăn ngon hơn mọi ngày. Đến thời tem phiếu, thậm chí các bà, các mẹ phải có cả một “chiến lược” hẳn hoi để có được ít thịt mỡ, nếp ngon cho chiếc bánh chưng dâng lên tổ tiên và đất trời. Trong tác phẩm “Cỗ bàn Tết nhất”, nhà văn Đỗ Phấn nhắc đến cái sự “chạy” Tết và sự khéo thu vén của người Hà Nội để chuẩn bị cho mâm cỗ Tết: “Những năm chiến tranh bao cấp thiếu thốn, toàn dân ăn Tết theo tiêu chuẩn mua hàng Tết. Có một con gà, một cân giò lụa, vài cân gạo nếp, đỗ xanh. Một túi hàng thập cẩm bao gồm bóng bì, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương, hạt tiêu. Trong túi ấy dĩ nhiên có cả một bánh pháo và một hộp mứt. Phiếu thì để dành đến Tết mua cân thịt thủ gói giò xào. Thịt lợn gói bánh chưng phải tự túc mua ngoài thị trường tự do... Cỗ bàn ngày Tết của người Hà Nội tùy theo gia cảnh mà nấu nướng bày biện. Tùng tiệm tối thiểu thì bốn bát, bốn đĩa. Khá giả hơn thì tám bát, tám đĩa...”.

Nhớ về Tết xưa, nhiều người nhớ mùi hương đặc trưng của Tết, một năm chỉ có một lần. Đó là hương thơm bánh quy mới ra lò tỏa ra trên dãy dài phố Huế, Hàng Bài... Mùi bánh chưng ngào ngạt bay trong không trung, bắt đầu từ quãng 25 tháng Chạp kéo dài đến tận giao thừa. Hương mùi già ngày cuối năm len lỏi trong từng con phố nhỏ và cả mùi hương trầm lan tỏa sự ấm cúng trong bữa cơm tất niên... Tất cả mãi mãi trở thành ký ức không quên...

Nhắc đến Tết xưa là nhắc đến phong tục tập quán tốt đẹp, vẫn còn lưu giữ trong những câu thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: "Cây nêu - dấu Phật đuổi hung thần/ Cỗ mũ trên bàn cúng Táo quân/ Mùng bốn tết xong làm lễ tiễn/ Giấy tiền ông vải đốt đầy sân” (“Năm mới”). Hay là phong tục đẹp đẽ qua những câu thơ Nguyễn Bính: “Sáng ngày mồng một sớm tinh sương/ Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường/ Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi/ Rửa mặt hoa mùi đượm nước hương” (“Tết của mẹ tôi”)…

Trong ký ức Tết xưa, hầu như ai cũng nhớ về chợ Tết. Ấy là không gian níu chân người lâu nhất. Mọi thứ cho Tết đều có thể mua được ở chợ, vì thế mà chợ Tết xưa là cái gì đó rộn ràng, náo nức và lắng đọng trong ký ức mỗi người, để rồi sau này, dù đã lớn hơn hay già đi, với bất kỳ ai, hình ảnh chợ Tết vẫn ở nguyên trong tâm trí...

Tết nay với nhiều phong vị mới

Ngày nay, các hoạt động đón Tết không chỉ ngưng đọng trong câu đối đỏ, bánh chưng xanh, không bị "trói chặt" trong các quy định về tem phiếu như thời bao cấp, mà “bùng nổ” với nhiều hình thức. Nào “Tết du lịch”, nào “Tết sum họp qua mạng”, “Tết giản tiện”… Không gian Tết không chỉ dừng ở không gian gia đình, mà còn lan tỏa xuyên lục địa, xuyên quốc gia.

Tết nay, người ta không tất bật sắm Tết như thời trước nữa. Chợ truyền thống cùng với hệ thống siêu thị ăm ắp các mặt hàng, chỉ cần một buổi đi chợ hay siêu thị là các bà, các cô có thể sắm sửa đủ cho một cái Tết. Mừng năm mới, dù cách nhau nửa vòng trái đất nhưng chỉ cần nhấc máy là có thể nhìn thấy nhau. Với ví điện tử, chỉ trong tích tắc là người ở nửa bên kia địa cầu sẽ nhận được tiền lì xì sau hai tiếng "ting ting". Tết nay, người ta ít đến thăm hỏi nhau hơn. Trong thế giới phẳng, mạng xã hội kết nối rộng rãi, những lời chúc rộn ràng, hào phóng trên khắp cõi mạng.

Vài năm nay, Hà Nội có thêm dịch vụ nấu cỗ Tết. Thực đơn của nhà hàng thường có hàng chục món, tha hồ chọn… Cả năm ăn uống no đủ nên đến Tết, chẳng ai còn quá mặn mà với những món ngon. Cảm giác "no dồn đói góp" không còn, thay vào đó là tâm lý tiết kiệm, cỗ bàn ê hề mà không có người ăn thì quả là lãng phí.

Tết truyền thống vẫn vẹn nguyên giá trị

Hồn cốt mâm cỗ Tết không chỉ nằm trong những món ăn, mà thể hiện bằng việc cả gia đình cùng chung niềm háo hức sửa soạn khi Tết về, chung niềm khát khao được quây quần cùng nhau trong dịp Tết.

Giữ gìn truyền thống không có nghĩa là trở lại nguyên xi với cái cũ. Truyền thống cũng phải luôn vận động và phát triển. Điều quan trọng là thế hệ hôm nay tiếp nối ra sao cho phù hợp với xu thế mới chứ không phải cố gắng gượng ép làm lại giống hệt Tết xưa. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho rằng, dù thay đổi thế nào thì hồn cốt của Tết xưa vẫn đang tồn tại trong mỗi gia đình. Đó là tình cảm của người với người mỗi dịp Tết đến xuân về, là suy nghĩ, cách đón Tết. Xã hội phát triển, chúng ta không thể có Tết nay giống hệt với Tết xưa, nhưng những nét xưa vẫn còn đó, trong tâm khảm mỗi người. Còn Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng thì cho rằng, Tết là di sản văn hóa phi vật thể, luôn được cộng đồng tái sáng tạo. Muốn bảo tồn được di sản văn hóa Tết trong dòng chảy toàn cầu hóa thì cần có chính sách đề cao giá trị Tết Việt, khuyến khích cộng đồng tự sáng tạo, tự tổ chức các hình thức đón Tết.

Đúng vậy, Tết cũng như vòng đời, có thay đổi, có cái mất đi và cái mới xuất hiện. Vì thế, ngày Tết đẹp hay ý nghĩa đến đâu còn do cách ứng xử, cách cảm nhận của chính mỗi người chúng ta. Không cần tinh tế lắm cũng thấy được màu của Tết, mùi của Tết truyền thống vẫn còn đây, nguyên vẹn giữa không gian đô thị sầm uất này. Đấy là cái màu nồng ấm của hồng đào phảng phất tinh hoa Tràng An ngàn năm cũ. Đấy là hương lá mùi già “tẩy trần” trong ngày cuối năm. Là những chiếc xe đạp chở hoa đủng đỉnh xuôi theo từng con phố, lênh đênh trôi trong dòng người hối hả. Là khi phố phường vào những ngày đầu năm bỗng trở nên trong veo, chậm rãi. Là tập tục xông đất, hái lộc, lên chùa… Và dù cách đón Tết mỗi thời có khác nhau, nhưng với mỗi người Tết vẫn là cơ hội để gắn kết tình thân gia đình, là khoảng thời gian được ở bên cạnh nhau, quây quần cùng đón chào khoảnh khắc thiêng liêng đón chào năm mới.

HOÀNG LAN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 19 tháng 9 năm 2024, thứ năm