Báo cáo tại Hội nghị giao ban Thường trực Thành ủy với lãnh đạo sở ngành, quận, huyện sáng 14/1, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, việc đảm bảo vệ sinh môi trường Tết đã được Sở triển khai ngay từ tháng 11, 12 để đảm bảo thành phố sạch sẽ trước, trong và sau Tết.
Theo kế hoạch, Sở đã chuẩn bị phương án để kể cả đêm 29 – 30 Tết có thể đạt tối đa hơn 5.000 tấn rác thì Hà Nội cũng không để tồn đọng, “không phải sau Tết thì chúng ta có quyền nghỉ, có quyền bẩn”.
“Hôm nay, đã sang ngày thứ 4, một số hộ dân, chủ yếu ở thôn Đông Hội, xã Nam Sơn; một phần nhỏ người dân xã Bắc Sơn, xã Hồng Kỳ đã ra chặn xe vào bãi rác. Đích thân đồng chí Phó chủ tịch UBND thành phố cũng đã về đối thoại với dân 3 buổi vào thứ 6, thứ 7, Chủ nhật, xem xét tất cả các trường hợp, chủ yếu vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Đối với các hộ dân trong bán kính 0-500 m quanh bãi rác cơ bản đã có phương án giải quyết, có kế hoạch, thời gian cụ thể”, ông Lê Văn Dục cho biết.
Dù cho rằng “bước sang ngày thứ 4, về cơ bản chúng ta đã tìm được tiếng nói chung (với người dân”, nhưng ông Lê Văn Dục vẫn đề nghị Huyện ủy, UBND huyện tiếp tục vận động nhân dân vì “đến giờ 12 quận đã gặp khó khăn”. “Chúng ta cầm cự được 3, 4 ngày thôi, sang đến ngày sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, ông Dục nói thêm.
Trao đổi về vấn đề liên quan đến
bãi rác Nam Sơn, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết, sau khi có công văn của thành phố, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân. “Đến 2 – 3h sáng nay vẫn tiếp tục vận động. Sáng nay người dân đã gỡ lều lán, tuy nhiên còn khoảng 20 người tiếp tục chặn đường vào khu xử lý rác thải. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, tuyên truyền với người dân. Phấn đấu trong ngày hôm nay, 14/1 sẽ thông xe vào bãi rác”, ông Bút nói.
Sáng 14/1, rác thải sinh hoạt vẫn còn ùn ứ trên các tuyến đường thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông. Nguyên nhân là do đối thoại giữa người dân với chính quyền vẫn chưa ngã ngũ. Người dân ở đây mong muốn thành phố quan tâm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi di dời khỏi vùng ảnh hưởng.
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, việc một số người dân chặn xe chở rác vào khu xử lý chất thải Nam Sơn, khiến cho lượng rác tồn đọng rất nhiều. 4 quận nội thành dễ thở hơn vì công ty có ký hợp đồng với Trạm xử lý Cầu Diễn và Xuân Sơn (Sơn Tây) nên vẫn có thể điều tiết được. Các quận khác nhiều đơn vị chỉ ký hợp đồng với bãi Nam Sơn nên rác tồn đọng không thể chuyển đi.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, đến sáng 14/1, cư dân đã dỡ lều bạt chặn đường, khả năng trong chiều nay sẽ có thể vận chuyển rác vào khu xử lý chất thải Nam Sơn bình thường.
Liên quan đến vấn đề này, UBND thành phố Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng, Sở QH&KT xác định ranh giới, chỉ giới đường đỏ vùng ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, Sở TN&MT triển khai ngay việc cắm mốc giới giải phóng mặt bằng theo quy định. Giao Sở TN&MT, phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, hoàn thiện hồ sơ, cập nhật danh mục dự án thu hồi đất trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của huyện Sóc Sơn.
Giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn chủ trì, thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư thực hiện dự án. Đồng thời giao Trung tâm phát triển quỹ đất Sóc Sơn bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng theo ranh giới, mốc giới đã được xác định.
Giao Quỹ đầu tư phát triển thành phố ứng vốn giải phóng mặt bằng cho UBND huyện Sóc Sơn để tổ chức triển khai thực hiện theo quy định. Như vậy, công tác di dân, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng môi trường quanh Khu xử lý rác Nam Sơn đang được tích cực chuẩn bị.
Bãi rác Nam Sơn là nơi xử lý chính rác thải của bốn quận nội thành Hà Nội với khoảng 4.000 tấn/ngày. Bãi rác Nam Sơn rộng khoảng 83ha, với 9 ô chứa rác tiêu chuẩn. Trong đó, một số ô đã bị đầy tải, đóng không tiếp nhận rác.
TRƯỜNG PHONG - TRẦN HOÀNG
Nhận xét
Đăng nhận xét