Ngày 02 tháng 02 năm 2020 Chúa nhật
Ngày 02 tháng 02 năm 2020 Chúa
nhật, độ ẩm 87% 17-23độ trời tạnh ráo & rét, 5:00 đi thể dục như thường
ngày, 6:00 sáng nay thả con Sói đi vệ sinh sáng quanh khu đô thị Phú Hà, về
tổng vệ sinh trang phục, 9h ăn sáng rồi sang nhà ông Ngọc uống trà, xem bài
chỉnh đốn Đảng nhân 90 năm thành lập…Chiều 15h trời nắng nhạt.
Cần dừng ngay lễ hội chùa Hương để tránh lây lan dịch virus corona
Chủ Nhật, 02/02/2020 14:05:00 +07:00
(VTC News) - Chuyên gia cho rằng, cần phải dừng các lễ hội đã khai mạc như lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc... để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của nhân dân trong đại dịch virus corona.
Trả lời VTC News, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng, việc tạm dừng lễ hội trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh virus corona là việc làm đúng và cần thiết hiện nay.
Ông Sơn phân tích lễ hội là nơi tập trung đông người, là môi trường thuận lợi để bùng phát bệnh khi có người nhiễm virus. Nếu điều này xảy ra sẽ rất nguy hiểm, gây khó khăn hơn nữa trong việc kiểm soát đối với căn bệnh này.
"Trong điều kiện cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang cố gắng dập dịch nhanh chóng để cuộc sống sớm trở lại ổn định; một số nước cũng dừng các hoạt động lễ hội như một hình thức thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với bệnh dịch, thì việc tạm dừng tổ chức các lễ hội là hết sức cần thiết", Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam khẳng định.
PSG.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, một số lễ hội đã khai mạc và hiện vẫn tiếp diễn như lễ hội chùa Hương, chùa Tam Chúc... cần phải tạm dừng theo đúng khuyến cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
"Việc tạm dừng thể hiện trách nhiệm của các ban tổ chức lễ hội, của các địa phương đối với tính mạng, sức khỏe của nhân dân", vị chuyên gia văn hoá bày tỏ.
Theo Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, các địa phương, ban tổ chức lễ hội nên cân nhắc nghiêm túc, xem xét các khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, ngành y tế để tạm dừng tổ chức lễ hội.
Cùng có quan điểm nên dừng các lễ hội kể cả khi đã khai hội, chuyên gia xã hội học, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, hiện nay lễ hội đền chùa trở thành một tập quán khó gột rửa, gắn liền với đời sống của người dân nhiều tỉnh thành trong cả nước. Và đặc biệt, lễ hội chùa Hương là hoạt động tín ngưỡng “ăn vào xương tủy” nhiều người dân.
Việc tạm dừng thể hiện trách nhiệm của các ban tổ chức lễ hội, của các địa phương đối với tính mạng, sức khỏe của nhân dân.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Mặc dù dịch bệnh đang diễn ra rất nghiêm trọng, nhưng bản thân người dân đi trẩy hội cũng có tâm lý chủ quan khi cho rằng đến chùa cầu an thì “virus sẽ trừ mình ra” hay “chắc không đến lượt mình mắc bệnh”. Tất cả đó là ý thức chủ quan chung của người dân đi trẩy hội.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho rằng, đối với cơ quan quản lý nhà nước nói chung và ban tổ chức lễ hội chùa Hương nói riêng, họ đang chấp hành không nghiêm chỉ thị của Thủ tướng.
“Và có một thực tế lâu nay, người ta vẫn xem lễ hội là dịp để “hốt bạc” cho nhiều cá nhân và đơn vị, trong đó có việc tăng nguồn thu cho chính quyền địa phương và làm “đầy túi” các đơn vị tổ chức. Đây là cơ hội, cơ may thì làm sao mà dừng được”, ông Trịnh Hòa Bình thẳng thắn nhận định.
Nhà xã hội học cũng bày tỏ: “Trong chỉ thị tạm dừng lễ hội chùa chiền của Chính phủ, chữ “tạm” ở đây được những người điều hành lễ hội coi là có thể “du di”, tức là vẫn có thể tổ chức ở phạm vi nào đó. Và khi lễ hội diễn ra thì họ khó lòng kiểm soát được việc người dân đi trẩy hội. Từ đó, không lường được hiểm hỏa dịch bệnh có thể lan nhanh trong cộng đồng dân cư”.
“Rõ ràng ở đây có sự câu kết giữa công quyền và thần quyền để "làm ăn". Tổ chức lễ hội là câu chuyện lợi ích cho nên khó mà ngừng ngay được”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Ngày 1/2, trả lời câu hỏi của VTC News về ý kiến của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với đề xuất nên tạm dừng hay kết thúc sớm lễ hội chùa Hương để bảo đảm an toàn cho người dân, trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp đang hành hoành nghiêm trọng, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, đây là việc hệ trọng, liên quan đến nhiều vấn đề xã hội.
“Hiện tại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có ý kiến cụ thể gì, mà vấn đề này phải chờ Chính phủ có thể sẽ có ý kiến chỉ đạo”, Hòa thượng Thích Gia Quang cho biết.
Trong khi đó, bà Bạch Liên Hương, Bí thư Huyện uỷ Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết do đã khai hội trước thời điểm Ban Bí thư, Thủ tướng ra văn bản về phòng, chống dịch nCoV nên lễ hội chùa Hương vẫn sẽ tiếp tục diễn ra.
“Lễ hội không dừng do đã khai hội từ trước. Cơ bản chúng tôi kiểm soát và tuyên truyền người dân đảm bảo sự chủ động phòng, chống dịch, khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc và chủ động dùng khẩu trang”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, chứng kiến cảnh hàng chục nghìn người vẫn chen chân nhích từng bước một trên chùa Hương thì khó ai có thể dám chắc các biện pháp phòng chống dịch như bà Bí thư huyện nói sẽ có tác dụng.
Ngày 31/1, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ký công văn về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), gửi Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố.Ban thường trực Hội đồng trị sự GHPGVN yêu cầu Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh thành phố tăng cường việc tuyên truyền đến các chùa, tăng ni, Phật tử và nhân dân nhận thức về mức độ nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm, bùng phát của dịch bệnh virus Corona.Giáo hội cũng khuyến cáo, Tăng ni, Phật tử phải có ý thức trách nhiệm cao trong việc phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, yêu cầu mọi người khi đến chùa phải đeo khẩu trang. Khuyến khích các chùa phát khẩu trang cho nhân dân, đồng bào Phật tử và du khách đến chùa.GHPGVN yêu cầu các chùa tạm dừng tổ chức các lễ hội, các khóa tu tập trung đông người đến từ nhiều vùng, nhiều địa phương khác nhau, chỉ tổ chức các khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an thường nhật tại chùa.Chiều 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam do virus corona gây ra.
Theo dõi thông tin dịch cúm virus corona phát trên các bản tin của kênh VTC1, VTC14, VTC16, ứng dụng VTC Now và liên tục cập nhật trên VTC News.
MINH TUẤN - XUÂN TRƯỜNG - HỮU DÁNH
Nhận xét
Đăng nhận xét