Ngày 12/7/2022 thứ ba

 Ngày 11/7/2022 thứ hai, nhiệt độ 32-26 độ với độ ẩm 78% trời mát không mưa, 4:50 tôi sang thể dục tại khu biệt thự đô thị Phú Thịnh giáp ranh với số nhà 24 tại ngách 25 của tổ dân phố Ninh Tĩnh qua đường Phú Hà QL 32 vào đường Phú Hà rẽ ngõ 3 về nhà, Sau đó ăn sáng rồi sang nhà Hải sắt uống trà tuần mới cùng các ông Ngọc. Ông Lân –Thủy gọi điện hỏi thăm tình hình đất tranh chấp nhà ông Phát & đám tang ông Khải ở Văn Điển, tháng sau có thể ông bà lên PHỐ ĐI BỘ SƠN TÂY; Chưa hết trén trà bà chủ gọi về có 3 thợ xây làm việc 1 ngày để nâng nền sân với 1 xe cát đen,10 mét vuông gạch lát rộng 50cm/viên cùng 3 bao xi măng Sài Sơn, tổng chi phí 2,6 triệu VÀO 15:15 ĐẾN GẦN 16H CÓ TRẬN MƯA LỚN, MỌI VIỆC BÌNH THƯỜNG VÌ THỢ LÀM TRONG NHÀ, mẹ Qunhf đi làm về trong mưa rào, chờ mưa tạnh 16:30 đón Kiên về từ Họa Mi, sau đó hai mẹ con ra phố mua thuốc ho cho Kiên, sau khi lát xong nền đã dắt các xe gửi nhà ông Ngọc về sân nhà, tiếp các bạn hàng xóm sang chơi uống trà.

Ngày 12/7/2022 thứ ba, nhiệt độ 32-26 độ với độ ẩm 78%, 4:50 tôi sang thể dục tại khu biệt thự đô thị Phú Thịnh giáp ranh với số nhà 24 tại ngách 25 của tổ dân phố Ninh Tĩnh qua đường Phú Hà QL 32 vào đường Phú Hà rẽ ngõ 3 về nhà. Mẹ Quỳnh đi làm ca tuần mới từ 6-14h, tôi về ăn sáng, tổng vệ sinh trang phục rồi sang nhà Hải sắt uống trà tuần mới cùng các ông Ngọc, Hình,Trọng. 8h về Kiên đã đi học cùng bố Thao, trước đó bà nội đã cho Kiên uống thuốc ho & ăn sáng, chị Vy xem lại bài cũ cùng bà nội, vào 8H CÓ TRẬN MƯA RÀO LỚN, khả năng mưa còn kéo dài do mây đen còn lớn, vào 10h ông Bích rẽ qua nhà ngõ Rau cho Vy quả quất hồng bì chua ngọt & thông báo với chị gái cháu Dũng Sơn Hà cắt vải không may cắt vào phần mềm tay khâu 3 mũi, tôi tranh thủ gặp lại ông Mỹ báo cáo tình hình đã làm sân nền & xin số điện thoại của anh Cường để gọi nhờ anh giải quyết nốt phần việc của 3 cái lỗ chốt & làm tiếp mấy cái máng xối chống dột cho chuồng con có, 11h hai bà cháu Vy ra thăm gần 12h mới về, khi cả nhà ăn trưa & lúc đầu giờ chiều có hai trận mưa lớn, 15h bố Thao & bà nội đi làm, lát nữa mẹ Quỳnh về đón Kiên & giúp chị Vy học bài…Tối nay hai bà cháu Hà Vy sẽ đi trả bằng “gia đình văn hóa” năm 2019-2021 của nhà 01/06/08/40/3 & nhà 43/3/LL cùng 200k/hộ.

 

 

Định hướng phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh mới

TS. NGUYỄN MẠNH HÙNG - PGS, TS. ĐOÀN XUÂN THỦY
Hội đồng Lý luận Trung ương
14:23, ngày 09-07-2022

TCCS - Hợp tác xã nông nghiệp có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần ổn định, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần đánh giá, tổng kết thực tiễn và đề xuất quan điểm, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp phù hợp với bối cảnh mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La_Ảnh: TTXVN

Sự phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam, ngày 11-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”(1)Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa nông dân vào làm ăn tập thể dưới hình thức hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) là con đường, động lực, phương thức đặc biệt quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân nước ta.

Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển HTXNN, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” (Nghị quyết số 13-NQ/TW) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (Nghị quyết số 26-NQ/TW).

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Nghị quyết số 26-NQ/TW, HTXNN đã có bước phát triển mới, đóng góp quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Theo Báo cáo của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, tính đến năm 2021, cả nước có 17.507 HTXNN(2) (chiếm 65,27% tổng số HTX), tăng 63,91% so với năm 2013; hoạt động với hai mô hình chủ yếu là HTX kinh doanh tổng hợp (chiếm khoảng 70%) và HTX chuyên ngành (chiếm khoảng 30%); cung ứng ít nhất là 3 dịch vụ (vật tư, tưới tiêu, khuyến nông) và nhiều nhất là 16 dịch vụ (giống, vật tư, tưới tiêu, khai thác hạ tầng, làm đất, thu hoạch, bảo quản, chế biến...); có hơn 40% số HTX thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng liên kết ổn định; tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản đạt 15.914 tỷ đồng; doanh thu bình quân 2,1 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân 208 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân lao động đạt 4,25 triệu đồng/người/tháng; tăng 2,22 lần so với năm 2013(3).

Những thành tựu phát triển HTXNN đã góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của nông dân ở nước ta thời gian qua. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp được duy trì khá cao, giai đoạn 2008 - 2020 tăng trưởng trung bình đạt 3,01%/năm(4). Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp thực chất và hiệu quả hơn; hoạt động sản xuất chuyển mạnh theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, phát huy lợi thế của mỗi địa phương và vùng, miền trên cả nước, gắn với thị trường tiêu thụ và ứng dụng khoa học - công nghệ. Phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, hữu cơ ngày càng được chú trọng. Một số nông sản từng bước khẳng định vị thế và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới(5).

Những đổi mới trong phát triển HTXNN góp phần quan trọng vào phát huy vai trò chủ thể của nông dân, thúc đẩy liên kết kinh tế theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới, tạo ra năng suất và hiệu quả cao, nâng cao tỷ trọng nông sản chế biến cho xuất khẩu(6), góp phần tích cực vào gia tăng thu nhập, giảm nghèo và cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn. Đổi mới và phát triển HTXNN đã thực sự là giải pháp quan trọng để phát triển mạnh mẽ, bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo ra sự hài hòa hơn trong phát triển nông thôn và đô thị, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển bền vững chung của đất nước(7).

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tình hình hoạt động, phát triển HTXNN đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế; vai trò và đóng góp còn rất thấp so với mong đợi: Phát triển HTXNN chủ yếu theo chiều rộng, không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền trong cả nước; tổng số thành viên và số lượng thành viên trung bình của một hợp tác xã giảm xuống; đa số HTXNN có quy mô nhỏ(8), cơ sở vật chất, trình độ khoa học - công nghệ, tiềm lực tài chính, năng lực của đội ngũ cán bộ còn yếu, phạm vi hoạt động hạn chế; hiệu quả thấp, kém bền vững, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh chưa cao... Hợp tác xã nông nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò, phương thức, con đường đưa sản xuất nhỏ của nông dân trong nông nghiệp, nông thôn lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa.

Những hạn chế kể trên trong phát triển HTXNN ở nước ta do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau:

Một là, chưa tạo bước chuyển căn bản trong nhận thức và tư duy lý luận về kinh tế tập thể nói chung, HTXNN nói riêng, còn có những điểm chưa thống nhất, nội dung chưa rõ, chưa thấy được tính quy luật chung và tính đặc thù của sự hình thành, phát triển HTXNN ở nước ta trong thời kỳ mới.

Hai là, môi trường thể chế, chính sách chưa đủ mạnh, chưa tạo được đột phá để thúc đẩy phát triển HTXNN; chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phát triển HTXNN được ban hành nhiều nhưng tính khả thi thấp, thiếu nguồn lực triển khai, hiệu lực thi hành thấp, tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ.

Ba là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, công tác quản lý nhà nước các cấp về HTXNN chưa thường xuyên, thiếu tập trung, thống nhất; chưa phát huy đầy đủ, hiệu quả vị trí, vai trò của hệ thống chính trị, nhất là của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, vai trò, vị trí của Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong thúc đẩy phong trào phát triển HTXNN.

Bối cảnh mới và quan điểm, giải pháp phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam

Phát triển HTXNN có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với phát triển HTXNN. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra, cần có quan điểm, giải pháp đồng bộ nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức, từ đó, tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò động lực của HTXNN trong phát triển nhanh và bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Bối cảnh mới

Thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có nhiều xu hướng, đặc điểm mới, tạo cơ hội và thách thức cho phát triển HTXNN. Mặc dù gặp nhiều trở ngại, song toàn cầu hóa kinh tế vẫn tiếp tục là xu thế chủ đạo. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu đổi mới căn bản phương thức phát triển của các quốc gia, phương thức sản xuất, kinh doanh, nhận thức và hành vi của mỗi tổ chức, người dân. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, suy thoái môi trường, những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng diễn biến khắc nghiệt, khó lường. Đại dịch COVID-19 với những thách thức chưa từng có gây ra sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, thương mại, đầu tư quốc tế, tác động sâu sắc tới mọi mặt đời sống xã hội...

Ở trong nước, nhu cầu tham gia HTXNN ngày càng lớn để đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ sản xuất nhỏ, kinh tế hộ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận thị trường, xuất khẩu chính ngạch, giảm thiểu rủi ro, tăng tính công khai, minh bạch của quá trình sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu lớn, đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa sản xuất lớn. Các doanh nghiệp, thành phần kinh tế khác ngày càng có nhu cầu tạo chuỗi liên kết với các HTXNN để phát huy lợi thế của các loại hình HTXNN, mở rộng năng lực sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh trước sức ép của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.

Bối cảnh mới đặt ra yêu cầu HTXNN đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu để nâng cao hiệu quả hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện.

Quan điểm phát triển

Để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra, việc phát huy vai trò tích cực của HTXNN có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển nhanh và bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Về quan điểm phát triển, cần nhấn mạnh những nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục khẳng định rõ bản chất của HTXNN là tổ chức kinh tế tập thể của nông dân dựa trên sở hữu tập thể; lấy lợi ích, hiệu quả kinh tế của thành viên làm chính; là thành tố nòng cốt của kinh tế tập thể, giữ vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam. Phát triển HTXNN là phù hợp với xu thế chung của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại; là cách thức quan trọng để liên kết, hợp tác, nâng cao hiệu quả của sản xuất nhỏ, kinh tế hộ nông dân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, phát triển HTXNN phải bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, dân chủ, cùng có lợi, phù hợp với điều kiện đặc thù sản xuất nông nghiệp của từng địa phương, tuân theo các quy luật của kinh tế thị trường, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, kết hợp đi tắt đón đầu theo lợi thế ngành, lĩnh vực và xu thế phát triển.

Thứ ba, phát triển HTXNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải bảo đảm chất lượng và tính vững chắc, đa dạng về hình thức, quy mô, lĩnh vực liên kết; gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển đổi số quốc gia và xây dựng nông thôn mới; không ngừng nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế; góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh ở Việt Nam.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp là phù hợp với xu thế chung của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại_Nguồn: vapa.org.vn

Thứ tư, phát triển HTXNN là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn. Phát triển HTXNN phải lấy hiệu quả thiết thực trên thực tiễn để đánh giá, tránh duy ý chí, nóng vội, gò ép, áp đặt; đồng thời, không buông lỏng lãnh đạo để mặc cho tình hình phát triển tự phát.

Các giải pháp chủ yếu

Một là, thống nhất, nâng cao nhận thức về bản chất, vai trò của phát triển HTXNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về một số nội dung: HTXNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là loại hình HTX đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hoặc có mối liên hệ gắn bó hữu cơ với sản xuất nông nghiệp; bản chất của HTXNN là sự hợp tác của những người sản xuất nhỏ, đặc biệt là nông dân trong quá trình đi lên CNXH. Hợp tác xã nông nghiệp là tổ chức kinh tế được thành lập, phát triển trên cơ sở nhu cầu, lợi ích chung(9) của các hộ nông dân với mục đích chính là tối đa hóa lợi ích của hộ nông dân thành viên thông qua các hoạt động giao dịch của họ với HTXNN; nguyên tắc phân bổ quyền lực trong HTXNN là bình đẳng với “mỗi người một phiếu bầu”; thu nhập chủ yếu phân bổ theo mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ hoặc theo công sức lao động đóng góp;...

Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là người nông dân, về bản chất, cơ chế hoạt động, vai trò của HTXNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển HTXNN, mô hình HTXNN kiểu mới, kinh nghiệm hay về phát triển HTXNN trên thế giới. Đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác tuyên truyền; đẩy mạnh việc tổ chức diễn đàn, hội thảo, tọa đàm về HTXNN...

Hai là, hoàn thiện môi trường thể chế, chính sách, quản lý nhà nước đối với phát triển HTXNN.

Tập trung sửa đổi các quy định bất cập của Luật Hợp tác xã và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan theo hướng khắc phục những điểm nghẽn đang cản trở hoạt động hiệu quả của HTXNN; bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng, như đơn giản hóa thủ tục thành lập và hoạt động, giảm bộ máy quản trị, quy định hợp lý tỷ lệ vốn góp và sử dụng dịch vụ nội bộ phù hợp đối với từng loại hình HTXNN để tăng khả năng tự chủ trong huy động nguồn lực; quy định cơ chế quản trị phù hợp đối với từng loại hình HTXNN.

Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho phát triển HTXNN; sớm thể chế hóa và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12-3-2021, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2030” và Quyết định số 1804/QĐ-TTg, ngày 13-11-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Về chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025”.

Đẩy mạnh phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp; hoàn thiện cơ chế xác nhận, chứng nhận và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất nông nghiệp, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp thông qua các HTXNN; rà soát quỹ đất công hiện có, tạo quỹ đất cần thiết cho các HTXNN thuê xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất,... phục vụ yêu cầu phát triển ổn định, lâu dài.

Xây dựng hệ thống chính sách tín dụng đặc thù cho HTXNN; tạo thuận lợi cho thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay; khuyến khích tích lũy, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản thuộc sở hữu tập thể trong HTXNN; ban hành quy định tín dụng nội bộ HTXNN; hỗ trợ tín dụng đầu tư nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng; quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm phù hợp với mặt bằng chi phí sản xuất trong từng giai đoạn; tăng cường vai trò của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các ngân hàng thương mại và các tổ chức, định chế tài chính, bảo hiểm trong hỗ trợ phát triển, cung ứng vốn tín dụng, cơ chế bảo hiểm kịp thời cho hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh của HTXNN; bổ sung, hoàn thiện chính sách, quy định về kiểm toán, bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp, chuyển đổi số, khuyến nông, khuyến công cộng đồng... đối với HTXNN.

Tăng cường đội ngũ cán bộ các cấp về quản lý và phát triển HTXNN; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và người lao động cho HTXNN; tăng cường bồi dưỡng năng lực quản lý, điều hành cho các chức danh chủ chốt của HTXNN; chú trọng tập huấn kỹ thuật về nông nghiệp công nghệ cao cho thành viên và người lao động của HTXNN; tăng cường hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng, cán bộ trẻ về làm việc tại HTXNN.

Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển HTXNN; đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu: vùng nguyên liệu, chế biến, bảo quản nông sản; hệ thống thủy lợi, hệ thống giao thông, hạ tầng thương mại trong nước và xuất khẩu, thương mại điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics,... để tạo sức đột phá cho phát triển HTXNN. 

Đẩy nhanh chuyển đổi số trong HTXNN để nâng cao năng suất, hiệu quả; thúc đẩy áp dụng nông nghiệp thông minh trong các HTXNN; nâng cao tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, tích hợp đa giá trị, thực hiện kinh tế nông nghiệp tuần hoàn; đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tăng tính cam kết, chia sẻ giữa HTXNN và các doanh nghiệp đầu vào, đầu ra.

Tăng cường hỗ trợ HTXNN đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông sản; khuyến khích tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bảo đảm chất lượng và tính an toàn của nông sản hàng hóa; tạo lập và kết nối thị trường đầu vào và đầu ra hỗ trợ phát triển HTXNN; tập trung hỗ trợ dịch vụ tư vấn sản xuất, thông tin thị trường, tín dụng, bảo hiểm, kiểm toán, kết nối thương mại điện tử,...

Đổi mới quản lý nhà nước đối với HTXNN theo hướng các bộ, ngành tập trung vào việc ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường phát triển cho HTXNN; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các thủ tục phiền hà, bãi bỏ các quy định không phù hợp cho phát triển HTXNN. Tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý HTXNN có trình độ và kinh nghiệm thực tiễn, tâm huyết, nhiệt tình với HTXNN. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý HTXNN. Thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về HTXNN tập trung, thống nhất, chính xác, kịp thời, minh bạch và thông suốt để hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý HTXNN.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội ngành, nghề đối với HTXNN.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn thăm mô hình trồng bưởi tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang_Nguồn: danviet.vn

Các cấp ủy và tổ chức đảng ở nông thôn cần quán triệt, tổ chức triển khai, có chương trình hành động cụ thể về phát triển HTXNN; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho toàn Đảng, toàn dân tạo nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của HTXNN; thường xuyên kiểm tra, tổng kết, nhân rộng các mô hình HTXNN hoạt động có hiệu quả; hướng dẫn xây dựng cơ sở đảng và các đoàn thể trong các HTXNN.

Củng cố, nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Xác định rõ vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, được Nhà nước đầu tư nguồn lực, ngân sách, thực hiện các dịch vụ công cho người dân. Liên minh hợp tác xã có điều lệ riêng phù hợp vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống HTX và HTXNN. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trong cung cấp dịch vụ cho các HTXNN.

Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Hội Nông dân Việt Nam với vai trò là trung tâm, nòng cốt, thực hiện chức năng tuyên truyền, vận động và hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển năng lực và góp phần phát triển HTXNN hiệu quả, bền vững. Xây dựng và phát triển các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tạo cơ sở nền tảng phát triển thành các HTXNN.

Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong vận động, giáo dục nông dân tham gia HTXNN, thúc đẩy phong trào phát triển HTXNN tại cơ sở, nhất là vùng nông thôn, miền núi; tăng cường giám sát, phản biện xã hội, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các hội viên tham gia xây dựng các hình thức HTXNN./.

--------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 246
(2) 9.241 HTX trồng trọt, 1.248 HTX chăn nuôi, 114 HTX đánh bắt thủy sản, 842 HTX nuôi trồng thủy sản, 195 HTX lâm nghiệp, 48 HTX diêm nghiệp, 99 HTX dược liệu, 5.720 HTX khác
(3) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 (giai đoạn 2013 - 2021), tr. 11
(4) Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X), “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”
(5) Năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 3,1 tỷ USD; cà-phê: 2,74 tỷ USD; cao-su: 2,38 tỷ USD...
(6) Năm 2020, tỷ lệ nông sản chế biến trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm 45%
(7) Tính đến hết năm 2020, có trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 173 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn theo chuẩn nghèo đa chiều chỉ còn khoảng 4,2%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn trong giai đoạn 2008 - 2020 tăng gấp 4,5 lần
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 62
(9) Nhu cầu kinh tế, văn hóa, xã hội của các thành viên; thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng xã hội

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 19 tháng 9 năm 2024, thứ năm