Ngày 27/7/2022 thứ tư,

Ngày 27/7/2022 thứ tư, nhiệt độ 36-26 độ với độ ẩm 66%, LÀM LỄ TƯỞNG NHỚ LIỆT SỸ VŨ VĂN QUẢNG tại nhà, sáng nay trời nắng & nóng, 4:50 tôi đi thể dục tại khu biệt thự đô thị Phú Thịnh giáp ranh với số nhà 24 tại ngách 25 của tổ dân phố Ninh Tĩnh, về qua vườn hoa Vạn Xuân, phố Lê Lợi rẽ ngõ 3 về nhà. Tiếp tục tổng vệ sinh nhà cửa & trang phục rồi sang nhà Hải sắt uống trà, chụp & đăng ảnh cổng nhà thay mới bản lề mở ra ngoài cho rộng & nâng nền sân tránh ngập sau những trận mưa lớn, 8h về chị Vy dùng xe đạp cùng bạn dạo quanh ngõ phố rồi về tự ôn bài mẹ cho. Chiều nay chị đi học thêm trong Z175 tối qua khi ôn bài cháu đã chuẩn bị sách vở cùng cặp trường Họa Mi tặng, 14h hai bố con vào trong Z175, trời hôm nay cũng dịu hơn mọi ngày. Kiên được bố Thao cho đi học trường Họa Mi có chị Vy cùng đi cho vui. Nếu mẹ Quỳnh ở lại đón chị Vy thì tôi đón Kiên chiều nay. Bên nhà 13/40/3 anh Mạnh cấp tập gạch, cát xây tầng 3.

  

 



 Thứ tư, 27/7/2022, 07:23 (GMT+7)

'300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính là nỗi trăn trở lớn'

Theo Thứ trưởng Lao động Nguyễn Bá Hoan, khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính vì nhiều lý do, là trăn trở lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan chia sẻ với VnExpress về công tác xác định danh tính, hài cốt liệt sĩ qua giám định ADN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm qua cho biết có rất nhiều gia đình đang mòn mỏi chờ kết quả tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Vậy đến nay, việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đang được thực hiện thế nào, thưa ông?

Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, đất nước ta có khoảng 1,2 triệu người con ưu tú đã ngã xuống, hiện vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy và khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Đây luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của hàng triệu người dân Việt Nam và của những người thực hiện chính sách với người có công như chúng tôi.

Thời gian qua, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam và các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường xử lý vấn đề này. Trong đó, chúng tôi đã tiếp nhận và khai thác kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh để xác định địa điểm nơi liệt sĩ hy sinh phục vụ cho việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm thông qua việc hợp tác với Chính phủ Argentina trong vấn đề nhân chủng học và giám định pháp y; Bản ghi nhớ Ý định về việc Mỹ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực định danh hài cốt trong chiến tranh được ký giữa Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ...

Từ năm 2011 đến ngày 31/12/2021, tổng số mẫu các cơ quan giám định đã nhận được là trên 41.100, trong đó gần 34.700 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 6.400 mẫu thân nhân liệt sĩ. Qua phân tích, so sánh, đối chiếu ADN giữa mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ, danh tính của gần 1.400 hài cốt liệt sĩ đã được xác định, báo tin cho thân nhân và chỉnh sửa thông tin ghi trên bia mộ liệt sĩ.

Ngoài ra, thông qua thông tin về đồng đội, đơn vị, thân nhân liệt sĩ, nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu, nơi quy tập hài cốt liệt sĩ, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng đối với gần 4.100 hài cốt liệt sĩ...

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Xuân Hoa

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan. Ảnh: Xuân Hoa

- Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng vấn đề tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là gì?

- Ngay từ sau năm 1975, Đảng, Nhà nước và quân đội đã tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt bộ đội hy sinh tại chiến trường về các nghĩa trang liệt sĩ để chăm lo hương khói. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, cơ quan và địa phương, sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức, cá nhân vì có rất nhiều liệt sĩ hy sinh từ thời chống Pháp, hy sinh ở nhiều địa bàn khác nhau cả trong nước và ngoài nước.

Sau chiến tranh, địa giới hành chính các tỉnh, thành phố cũng có nhiều thay đổi, một số đơn vị chiến đấu trước đây nay đã giải thể, sáp nhập, cơ động về các địa bàn khác. Nhân chứng lịch sử người còn, người mất, tuổi cao, trí nhớ suy giảm; địa hình đồi núi phức tạp, còn sót lại nhiều bom, mìn, vật cản. Trong chiến tranh, việc chôn cất, an táng hài cốt liệt sĩ và quản lý hồ sơ báo tử chưa được lập sơ đồ đầy đủ; một bộ phận không nhỏ mộ không có hài cốt hoặc mẫu hài cốt đã được chôn cất trong thời gian quá dài (từ 40-50 năm về trước) không có khả năng giám định hoặc chất lượng ADN còn lưu lại kém.

Bên cạnh đó, trang thiết bị giám định của các đơn vị đã quá cũ, chưa được tự động hóa, thường xuyên hỏng hóc, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phân tích. Thậm chí, một số kết quả giám định có sự trùng lặp ngẫu nhiên về ADN ty thể của các mẫu phân tích sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và hài cốt liệt sĩ; có trường hợp một mẫu hài cốt liệt sĩ trùng lặp với trên 20 thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh khác nhau dẫn tới việc phân tích mất rất nhiều thời gian mới có kết quả...

- Vậy, Bộ Lao động Thương binh Xã hội có giải pháp đột phá nào để giải quyết tình trạng trên?

- Để việc thực hiện quy tập, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được chuẩn hoá và có tính thống nhất cao, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021, trong đó quy định một chương về công tác này. Có 23 điều (từ điều 138 đến 160) quy định rất cụ thể các nội dung liên quan đến công tác quy tập, tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng như di chuyển, an táng, truy điệu, thăm viếng mộ liệt sĩ..., cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.

Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã đề xuất Thủ tướng chỉ đạo Bộ Quốc phòng sớm ban hành quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin làm cơ sở để thực hiện giám định ADN theo quy trình thống nhất; cho phép Bộ Lao động Thương binh Xã hội nghiên cứu các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp nhằm liên thông, tích hợp đồng bộ cơ sở dữ liệu về liệt sĩ. Đồng thời, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu về liệt sĩ do Bộ Quốc phòng quản lý để hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về liệt sĩ và tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực giám định ADN trong thời gian tới.

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan tặng quà cho thương binh, người có công với cách mạng nhân ngày 27/7. Ảnh: Xuân Hoa

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan tặng quà cho thương binh, người có công với cách mạng nhân ngày 27/7. Ảnh: Xuân Hoa

- Hiện có rất nhiều mộ có danh tính tại các nghĩa trang liệt sĩ, nhưng người thân vẫn mất vài chục năm mới tìm kiếm được. Khâu xử lý, phổ biến, tra cứu thông tin đang gặp vấn đề gì, thưa ông?

- Việc thông tin về các phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang liệt sĩ đã được các cơ quan quân đội, cơ quan thông tấn báo chí, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho các gia đình liệt sĩ và người dân thông tin thường xuyên, giúp các gia đình liệt sĩ tìm được phần mộ của người thân của mình. Năm 2018, vào dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các đơn vị khai trương Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ.

Cổng thông tin điện tử tra cứu này có địa chỉ: http://thongtinlietsi.gov.vn, không chỉ góp phần chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, mà còn là nghĩa cử tri ân đối với những người đã hy sinh vì đất nước. Thông qua đó, khoảng cách địa lý giữa thân nhân liệt sĩ với mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ được rút ngắn đáng kể, việc tra cứu cũng rất dễ dàng, thuận tiện. Đặc biệt, với những thân nhân, gia đình liệt sĩ không có điều kiện đến tận các nghĩa trang để thăm mộ thì có thể vào Cổng thông tin để thăm viếng, tưởng niệm phần mộ liệt sĩ ngay tại gia đình.

Với việc hệ thống các cơ sở dữ liệu về liệt sĩ hiện nay đã giúp cho các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý, tra cứu và đối chiếu thông tin về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Đồng thời, dữ liệu ADN đã được số hóa của liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ từ thời điểm được lưu trữ tập trung trên hệ thống máy chủ, giảm thiểu khả năng mất mát, thất lạc thông tin gây khó khăn cho công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

- Nhân ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7, là cơ quan thực hiện chính người có công với cách mạng, ông có chia sẻ gì?

- Những người làm công tác chính sách người có công với cách mạng ngành Lao động Thương binh Xã hội luôn biết ơn các anh hùng liệt sĩ, các bậc lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, gia đình người có công đã có nhiều cống hiến, hy sinh to lớn trong sự nghiệp cách mạng.

Chúng tôi nguyện nỗ lực cùng các cấp, ngành tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Đây là bổn phận, trách nhiệm và cũng là tình cảm của chúng tôi, để tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những lớp người đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, để đất nước hòa bình và phát triển như ngày hôm nay.

Hoàng Thùy

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 06/7/2024 thứ bảy