Ngày 17 tháng 03 năm 2024 Chúa Nhật

 


Ngày 17 tháng 03 năm 2024 Chúa Nhật KẾT NỐI TRỰC TIẾP HAI MÁY A13 & A71K KHÔNG THÀNH CÔNG, nhiệt độ 26-22 độ, độ ẩm 95% NỒM & ẨM. Vào 5:13 tôi đi tập thể dục qua cuối ngách 25/3 lê Lợi vào quán cháo lòng Tùng- Oanh rồi ra vườn hoa Vạn Xuân tập các bải tổng hợp về đã 6:25 lên tổng vệ sinh qua máy giặt LG trang phục thường ngày, gần 7h bà chủ sang chợ Phú Hà mua thức ăn trưa, tôi ăn sáng bánh tẻ xã Tiên Phong của nhà Hạnh-Hải tặng & xem You Tube tại nhà. Gần 8h bác Thao có khách gọi đi ăn sáng, lúc này bác Hải sắt sau khi hai bố con đi ăn phở LÂN về sang gọi ông đến uống trà & nghe nhạc đến gần 9h về nhà viết bài, bà chủ đi bán hàng qua ngõ 16 đường La Thành QL 32 để gửi thức ăn cho bọn chó mèo nhà 05 ngõ 157 Lê Lợi. Bên nhà ÔNG BÀ Long-Hải thay mái tôn lạnh cho hiên trước nhà, bà Lý thợ Trọng nghỉ đi ăn cỗ. Các cháu hôm nay vẫn chơi trong ông bà ngoại, chiều mới về để chuẩn bị học hành cho tuần lễ mới…Trưa nay tôi lấy xe VIHA ra chợ cây cảnh sân vận động Sơn Tây gặp cậu mợ Vân Anh đi sắm hoa, mua phân, đất trồng cây, chúng tôi cùng nhau về 17/1 Lê Lai để chuyển mấy chậu cây cảnh & 5 bao đất trồng cây vào nhà, sau khi uống trà & trò chuyện tôi về ăn cơm trưa mà không vào nhà Hải Hạnh vì đã muộn. Chiều nay bác Thao đi lắp Camera cho khách, ngoài NVH có tiệc rượu mừng thọ cụ mẹ ông bà Lý-Ngoạn tuổi 90, đám thânh niên đang gào thét trong loa thùng, chiều nay nhà bà Lý chuyển gạch lên gác hai để xây tường…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động

(Chinhphu.vn) - Nhấn mạnh nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, Thủ tướng yêu cầu tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội, đặt mình vào địa vị của người khác và đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động, trong đó có việc nghiên cứu, triển khai gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5%.

16/03/2024  15:50

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng ngày 16/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Xây dựng và 16 ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 2.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong đó, nhà ở là một trong 3 trụ cột của an sinh xã hội, "an cư mới lạc nghiệp", công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã đề cập nhiều nội dung để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng về nhà ở cho công dân, phát triển nhà ở xã hội.

Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất, triển khai gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hàng chục nghìn hộ gia đình, hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở

Cơ bản đồng ý nội dung báo cáo của Bộ Xây dựng và ý kiến của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, trước hết là một số kết quả đạt được trong phát triển nhà ở xã hội, thực hiện xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030.

Một là, tích cực rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phát triển thị trường bất động sản, trong đó có các nội dung liên quan đến nhà ở xã hội.

Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), trong đó có nhiều cơ chế ưu đãi cho dự án nhà ở xã hội như: Được dành tối đa 20% tổng diện tích đất để xây dựng công trình, dịch vụ, nhà ở thương mại; được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất; được vay vốn với lãi suất ưu đãi; cắt giảm quy định về điều kiện cư trú đối với đối tượng mua, thuê mua nhà ở xã hội; các đối tượng là công nhân, lực lượng vũ trang được hưởng thêm các chính sách riêng về nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và nhà ở cho lực lượng vũ trang.

Các bộ đang tích cực rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ban hành các văn bản hướng dẫn với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…; phấn đấu hoàn thành và báo cáo Quốc hội để xin có hiệu lực sớm hơn từ 1/7/2024 (hiệu lực hiện nay là từ 1/1/2025).

Hai là, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động "an cư lạc nghiệp".

Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn hộ (trong đó 72 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 38 nghìn căn; 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 115 nghìn căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô gần 259 nghìn căn).

Ba là, gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng dù còn khó khăn nhưng đạt được những kết quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương.

Đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7 nghìn tỷ đồng; trong đó đã có 8 dự án tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Bốn là, cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh được tăng cường; phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh. Về cắt giảm thủ tục hành chính, các dự án chưa có quy hoạch chi tiết thì được sử dụng quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung tại những khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu để đấu thầu (theo Thông tư số 03/2023/TT-BXD ngày 28/4/2023).

Năm là, nhiều địa phương quan tâm, bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội (như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Hải Phòng, Hà Nội).

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 4.

Thủ tướng cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá chung, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là các địa phương, các doanh nghiệp, cả nước đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giúp cho hàng chục nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án.

Mức lợi nhuận quy định tối đa chỉ 10% theo Luật Nhà ở năm 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác. "Và nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, thời gian triển khai thành công một dự án khá lâu, từ 3-5 năm, dẫn tới không hấp dẫn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, có khả năng triển khai. Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng cơ bản giống dự án đầu tư thông thường. Còn một số khó khăn khác liên quan điều kiện, đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỉ lệ thực hiện nhà ở xã hội so với mục tiêu của Đề án còn thấp, thậm chí nhiều địa phương chưa có dự án nhà ở xã hội khởi công từ năm 2021 đến nay (như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Long An, Vĩnh Long…) theo báo cáo của Bộ Xây dựng.

Việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120 nghìn tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn (mới cam kết cấp tín dụng được 5,8%, giải ngân chưa được 1%).

Vẫn còn vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhất là: (i) Trong tiếp cận đất đai (quy hoạch bố trí quỹ đất, công khai dự án); (ii) Nguồn vốn và khả năng tiếp cận tín dụng; (iii) Thủ tục hành chính (trong đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt giá bán nhà)…

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 5.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác

Chỉ rõ các quan điểm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng trước hết khẳng định, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.

"Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay không phải nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường…", Thủ tướng khẳng định và lưu ý thêm, nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua.

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là nội dung quan trọng của các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 6.

Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn và tuân thủ pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

"Và điều quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp", Thủ tướng nêu rõ.

Gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5%

Để phát triển nhà ở xã hội, trong đó triển khai nhanh, hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", Thủ tướng nêu rõ, tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải phát huy hết khả năng, tâm huyết của mình, tinh thần trách nhiệm cao nhất, chủ động, sáng tạo, kịp thời, cộng với trách nhiệm, đạo đức xã hội để thực hiện các công việc cho tốt, chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội đúng nghĩa.

"Muốn thực hiện được mục tiêu đề ra, cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc, Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp cùng làm, đặt mình vào địa vị của người khác, "trong tôi có anh, trong anh có tôi", đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 7.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong đó, Chính phủ phải bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền.

Giao các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, đối với các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 8.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở.

Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.

Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, Hội đồng Nhân dân ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.

Lưu ý các địa phương nhiệm vụ quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh một lần nữa: Những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến ở, mua nhà, từ đó phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động- Ảnh 9.

Các chuyên gia đóng góp ý kiến tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng với đó, tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỉ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tốt. Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện.

Đồng thời, có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công.

Đối với các dự án đã lựa chọn chủ đầu tư, đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt; khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội; sau khi khởi công dự án cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.

"Các doanh nghiệp, ngân hàng thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm theo luật, đồng thời thể hiện trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh để kinh doanh nhà ở xã hội phù hợp tình hình, điều kiện người dân và lưu ý đến điều kiện khó khăn của họ, nhất là với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người nghèo, công nhân thiếu chỗ ở... Người dân cũng phải có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong tiếp cận nhà ở, cố gắng cao nhất trong điều kiện có thể, tinh thần là không ai lo cho mình tốt hơn mình cùng với các chính sách và sự hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng…", Thủ tướng nói và đề nghị người dân tích cực tham gia xây dựng chính sách, đồng hành trong giải phóng mặt bằng để phát triển nhà ở xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đăng ký chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội trong năm 2024; Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phấn đấu trong năm 2024, mỗi bộ thực hiện 5 nghìn căn hộ nhà ở xã hội; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phấn đấu trong năm 2024 thực hiện 2 nghìn căn hộ nhà ở xã hội. Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Xây dựng, các địa phương nghiên cứu việc đưa chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội thành chỉ tiêu pháp lệnh, hằng năm phải có báo cáo.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu, số lượng nhà ở xã hội năm 2024 được Bộ Xây dựng tập hợp. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn. Bộ Xây dựng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các địa phương hoàn thành mục tiêu đề ra.

Năm 2025, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch, mục tiêu, số lượng cụ thể xây dựng nhà ở xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/11/2024.

Ngay sau Hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến; sớm trình ban hành Kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngắn gọn với thông điệp, nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu, dễ làm, dễ giám sát, đánh giá, kiểm tra, dễ tuyên truyền, tập trung các vấn đề trọng tâm, trọng điểm.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, chủ động xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thật tốt chính sách phát triển nhà ở xã hội; đồng hành, hỗ trợ thực chất, hiệu quả đối với doanh nghiệp, người có thu nhập thấp, công nhân và người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Thủ tướng cũng đề nghị các chủ thể liên quan tích cực tham gia phong trào xóa nhà tạm trên phạm vi toàn quốc được phát động trong thời gian tới.

Hà Văn

 

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 19 tháng 9 năm 2024, thứ năm