CHÀO NGÀY THỨ BA 28/9/10

Viết tại 08 Ngô Quyền chờ Dân cài lại máy 694...Nghịch lý tiền lương

28/09/2010 06:49



(HNM) - Đầu tháng 9-2010 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Cải cách tiền lương giai đoạn 2011-2020. Một loạt các vấn đề về thực trạng đồng lương của công chức đã được các chuyên gia mổ xẻ như: Lương tăng hay giảm so với tăng giá? Lương cao hay thấp so với hiệu quả công việc? Thu nhập hiện nay của công chức liên quan gì đến nạn tham nhũng, tiêu cực? Vì sao cải cách tiền lương luôn trong tình trạng luẩn quẩn, chắp vá? Tuần vừa rồi lại có một hội nghị lấy ý kiến về các phương án phân vùng để từ đó điều chỉnh mức lương tối thiểu.



Theo lộ trình, việc tăng lương tối thiểu có thể được thực hiện từ ngày 1-1-2011 với mức tăng khoảng trên 10%.



Tuy nhiên, điều đáng nói là các hội nghị, hội thảo nêu trên về vấn đề tiền lương - một đề tài nóng, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội trong những năm trước đây- thời điểm này lại không tạo ra được lực hút đối với cán bộ, công chức và người lao động.



Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Nguyễn Hữu Dũng so sánh, năm 1960 lương tối thiểu của công chức chỉ có 27 đồng 3 hào nhưng vẫn giá trị hơn số tiền 730.000 đồng của năm 2010, bởi 27 đồng ngày trước có thể mua được hai chỉ vàng trong khi lương tối thiểu hiện nay không thể mua nổi một phần ba chỉ vàng. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá: "Mức lương hiện tại chỉ đáp ứng 30-50% nhu cầu tối thiểu của gia đình công chức"... Còn theo kết quả điều tra của Bộ LĐ-TB&XH đối với 1.700 DN thì 6 tháng đầu năm 2010, dù bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nhưng trên 90% DN trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến thực hiện năm 2011. Đến đây phần nào có thể hiểu tại sao cán bộ, công chức, người lao động không mặn mà với vấn đề tăng lương tối thiểu.



Có một nghịch lý ai cũng nhìn thấy rõ, dù lương hiện tại là không đủ sống song người ta vẫn chen chân, "xếp hàng" để vào biên chế viên chức, công chức. Ngay như ở cấp phường, làm cán bộ bàn giấy, trung bình lương tháng chỉ khoảng 1-2 triệu đồng, nhưng nếu không phải chỗ thân quen, không có những bức thư tay hoặc các cú điện thoại nhờ vả thì không dễ để... sắp xếp dù trong tay đầy đủ bằng cấp. Như vậy, ngoài lương chắc chắn còn những khoản "thu nhập" khác. Những khoản "thu nhập" ngoài lương đó, nói như lời một học giả đó chính là nguyên nhân của tính không công khai và không minh bạch về thu nhập trong guồng máy vận hành của bộ máy hành chính. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng phiền hà, cửa quyền, tham nhũng, vấn nạn "bôi trơn", "đi đêm", cơ chế "xin - cho"...



Với các DN, đặc biệt là khối DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, việc trả lương cho người lao động cơ bản là căn cứ vào năng lực cá nhân và công việc thực tế được giao. Nhưng với khối DN thuộc nhà nước quản lý, có thể thấy mô hình những tập đoàn, tổng công ty tới thời điểm này vẫn chưa phát huy được vai trò đầu tàu của nền kinh tế, một phần vì cơ chế trả lương và sử dụng con người như đã nêu ở trên. Lãnh đạo một DN đã từng than phiền, đơn vị hiện giờ có gần 300 người lao động nhưng hiệu quả làm việc không bằng lúc biên chế chỉ có một nửa, song khổ nỗi không dễ gì mà sa thải, cho nghỉ việc vì... cơ chế nó thế. Như vậy, đông chưa chắc đã phải mạnh khi người ta chỉ ngồi "chung thuyền" với nhau cho vui để ghi danh, lĩnh lương.



Cải cách tiền lương là một trong 9 mục tiêu của chương trình cải cách hành chính nhà nước. Song, với những nghịch lý tồn tại như hiện nay, nếu cải tiến tiền lương vẫn theo cách đối tượng hưởng lương không sống bằng lương thì e rằng những hệ lụy ngầm kéo theo của nó cũng khó bị triệt tiêu.



Hoàng Thu Vân
Đắc Lắc: Khởi tố nguyên Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra


28/09/2010 06:54



(HNM) - Ngày 27-9, Cơ quan điều tra hình sự - Viện KSND Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với hai cán bộ nguyên là thủ trưởng và Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT - CATP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc) về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".



Hai bị can bị khởi tố là Nguyễn Công Chức (SN 1954, nguyên Thủ trưởng cơ quan CSĐT - CATP Buôn Ma Thuột, Trưởng Phòng An ninh xã hội, CA tỉnh Đắc Lắc) và ông Trần Đức Thịnh (SN 1966, Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT - CATP Buôn Ma Thuột).



Vụ án liên quan đến việc năm 2005, khi cơ quan điều tra - CATP Buôn Ma Thuột điều tra vụ án Kim Văn Anh mua bán trái phép chất ma túy. Trong quá trình điều tra vụ án, điều tra viên đã có vi phạm quy định của pháp luật, làm sai lệch hồ sơ vụ án, giả mạo chữ ký trong kết luận điều tra.



Ngày 15-5-2008, Cơ quan điều tra hình sự - Viện KSND Tối cao đã khởi tố 1 điều tra viên tham gia điều tra vụ án trên về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án. Bị can này sau đó bị TAND tỉnh Đắc Lắc xử phạt 3 năm tù, cho hưởng án treo...



Điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao xác định ông Nguyễn Công Chức (là người chỉ đạo điều tra giải quyết vụ án) đã thiếu sâu sát, thiếu chỉ đạo điều tra, làm rõ nguồn gốc ma túy thu giữ, dẫn đến việc điều tra viên không tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, làm sai lệch hồ sơ vụ án, giả mạo chữ ký trong kết luận điều tra và một số quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được phát hiện.



Tương tự, ông Trần Đức Thịnh là Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT cũng thiếu trách nhiệm, để xảy ra các sai phạm của điều tra viên như trên... Hành vi của các bị can trên khiến vụ án ma túy không đủ căn cứ để xét xử, bị tòa án tuyên hủy để tiến hành điều tra lại.





Tư Đô

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 06/7/2024 thứ bảy