Những ngày này, hậu quả mưa lũ, bão bùng khủng khiếp còn hiện hữu trên khắp các nẻo đường ở
Quảng Bình. Nhiều trường học còn chưa khắc phục xong hư hỏng. Học sinh (HS) phải đi học nhờ. Giáo viên (GV) phải đi xin từng quyển sách vở cho học trò...
Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều GV bảo họ chẳng mong được tặng hoa, chỉ mong học trò có thêm được bộ áo quần hay có một chỗ ngồi tránh gió rét...
Vượt lũ bằng bè chuối
Thượng Trạch là xã biên giới cận Lào, nằm cách trung tâm H.Bố Trạch (Quảng Bình) tầm 80 km. Xã có khoảng 640 hộ dân người Vân Kiều, Ma Coong… sinh sống thuộc 18 bản nằm tách biệt nhau giữa trùng trùng đồi núi Trường Sơn.
Thầy cô và phụ huynh điểm trường Ra Ty Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Lộc (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) đưa học sinh qua suối để tới lớp |
Đóng chân trên địa bàn Thượng Trạch, Trường phổ thông dân tộc nội trú H.Bố Trạch cũng gặp muôn vàn khó khăn.
Nhà giáo Hoàng Đức Hòa mới nhận chức hiệu trưởng được 3 tháng. Thời gian đầu, thầy đặt mục tiêu bám bản lên hàng đầu để tìm hiểu đời sống người dân, HS. Thầy kể, cứ xong 1 tuần, GV lại vào bản gọi HS ra lớp. Thầy và trò cứ thế cuốc bộ cùng nhau trở lại trường.
Trong
đợt lũ lịch sử tháng 10 vừa qua, khi các vùng lũ của H.Bố Trạch đã tiếp cận được thì 2 xã Tân Trạch, Thượng Trạch ở biên giới vẫn chưa thông đường. Nhiều đoạn trên đường 20 bị ngập sâu và sạt lở nghiêm trọng.
Giáo viên bơi vượt lũ bằng bè chuối để tiếp tế lương thực cho học sinh và giáo viên |
Nhiều người không cầm được nước mắt khi xem hình ảnh các GV của Trường phổ thông dân tộc nội trú H.Bố Trạch động viên nhau bơi vượt qua nước lũ để ra ngoài vùng bị cô lập. Thầy giáo Hòa “bật mí”, lúc đó lũ về đột ngột, ngập chia cắt con đường độc đạo 20 - Quyết Thắng dẫn lên Thượng Trạch hơn 5 ngày, buộc các cán bộ, GV phải vượt vòng vây về xuôi tìm cách tiếp tế lương thảo. Khi qua hang Tám Cô, nước dâng quá cao, các GV phải chặt chuối đóng bè. Một tay níu bè chuối, một tay vợi trong dòng nước lạnh. Chỉ có 5 GV nam bơi được, còn lại phải quay trở về trường xa hàng chục cây số.
Đưa chữ lên non mùa lũ
Trận mưa lũ thứ hai ập xuống như xé toang núi rừng. Đã thế, sóng di động chập chờn nên thông tin nắm bắt từ Thượng Trạch rất khó khăn. Thầy giáo Hòa kể: “Đến ngày 23.10, chưa có bất kỳ một phương tiện nào lên được 2 xã Tân, Thượng. Đường từ Km số 10 (dốc Táu) đến Km 16 ngập sâu, có đoạn sâu hơn 10 m, cầu Trạ Ang ngập sâu hơn 2 m. Ở các đơn vị vẫn còn gạo ăn cầm cự được khoảng 15 - 20 ngày. Khó nhất là thực phẩm dự trữ gần hết; thực phẩm tươi sống cho HS nội trú cũng hết, chuyển sang cá khô, măng rừng, bắp chuối rừng, gia súc gia cầm trong bản”.
Sau 2 tuần bị cô lập, nước rút dần, một số đoạn bị sạt lở. Lập tức thầy Hòa hội ý với các GV đang ở lại và chốt phương án: gọi điện thoại cho các GV đang mắc lũ ở đồng bằng chuẩn bị lương thực, thực phẩm, xăng và các vật dụng thiết yếu. Mỗi người mỗi xe, đúng 9 giờ có mặt tại vị trí sạt lở Km 17 để “đổi” cho số GV đang ở lại miền thượng. Mọi công tác được bàn bạc kỹ.
Dạy xong tiết 2, nhà trường nhận được điện thoại thông báo các GV dưới xuôi đã lên đến Km 17, đoạn đường sạt lở rất nhiều không thể đem xe máy qua được. Lập tức trường thông báo cho các thầy cô nghỉ dạy và chuẩn bị chạy xe di chuyển xuống Km 19 để đổi người và nhận lương thực. Trong số 15 người đang ở lại trường, chỉ có 9 người xin về, số còn lại vẫn muốn ở lại tiếp tục dạy mặc dù Ban giám hiệu đã “ra lệnh” cho về. Vậy là chuẩn bị hành lý để về xuôi, anh em chia nhau những giọt xăng cuối cùng để đủ chạy về đến chỗ tiếp tế.
“Đoàn xe nối đuôi nhau băng hơn 40 km đường rừng. Mỗi người mỗi tâm trạng. Vui vì sẽ được về với gia đình, được gặp lại mọi người sau nhiều ngày xa cách và về với đồng bằng, vì không biết nhà cửa lụt lội thế nào. Nhưng buồn vì về thì ai sẽ chở HS đi học và không biết lúc nào mới thông đường để lên?”, thầy Hòa nhớ lại.
Trên đường đi, đoàn phải vượt qua nhiều điểm
sạt lở, cây đổ giữa đường... Sau hơn 2 giờ băng rừng, cuối cùng đoàn cũng đến điểm hẹn. Km 19 trước mắt là đất sạt lở dài gần như cả quả núi đổ sập xuống đây chắn ngang đường. Cả đoàn để xe lại và quyết định băng rừng vượt qua. Đoàn bên kia cũng băng rừng qua, vừa đi vừa hú để xem đã đến gần nhau chưa. “Sau hơn 30 phút băng rừng lội bùn, cuối cùng cũng nghe tiếng hú của nhau, gặp nhau giữa đại ngàn núi rừng Trường Sơn sau bao ngày xa cách, cảm giác lúc đó thật khó tả. Ai cũng mừng vui khôn xiết”, thầy Hòa nhớ lại.
Những dòng nhật ký nhòe mưa lũ và nước mắt
Tối 16.11, liên lạc với cô giáo Đỗ Thị Hải, GV Trường THCS Dương Thủy (xã Dương Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình), PV Thanh Niên đã nghe cô than phiền: “Đang đau nhà báo ơi, ngày mai đi Huế khám. Sau mùa lụt ni, thực tình kiệt quệ. Một núi việc cả nhà, cả trường...”.
Đường bị sạt lở, giáo viên cắm bản Thượng Trạch (Quảng Bình) và người dân địa phương phải đi bộ xuyên rừng |
Núi việc ấy, là ngược xuôi ngâm mình trong
nước lũ; là quần quật kê dọn đồ đạc, thiết bị dạy học phòng chống lũ; hết lũ thì dọn dẹp vệ sinh. Những nữ GV chân yếu tay mềm cũng phải gồng mình lên bưng bê vật nặng. Lũ chồng lũ. Cứ cất vào lôi ra, không lôi thì không có gì dạy cho HS, mà lôi thì lại sợ mưa bão hư hỏng. Riêng tâm lý lo lắng thôi cũng đủ nặng nề.
“Một ngày, GV chúng tôi phải dạy gấp đôi, để bù kịp chương trình. Hở ra lại đi bưng bê, mang vác cái hậu quả của lũ lụt. Học trò bơ phờ, mệt mỏi vì bị nhồi nhét! Giáo viên cũng bị stress vì áp lực”, cô giáo Hải chia sẻ và gửi hình chụp những quyển nhật ký nhàu nhòe do bị ngâm nước lũ. “Thấy tội nghiệp không? Cả tuổi thanh xuân nằm đó. Gắng phơi nhưng bất lực!”, cô hỏi mà như trả lời.
Chỉ còn lại những dòng nhật ký là ký ức của cô giáo Hải về trận đại hồng thủy: Mình viết những dòng này, khi đã thấm mệt sau mùa lũ lịch sử, có thể dùng từ “kinh hoàng” với mình - một kẻ gần 40 năm mở mắt nhìn thấy mặt trời. Mệt mỏi, tổn thương, mất mát... Biết làm sao kể hết với đồng bào mình, với người thân, với bạn bè, đồng nghiệp, học trò... Mệt mỏi cả thể chất lẫn tinh thần.
Cô trò mình phải nghỉ học từ ngày 8.10 đến 14.10.
Lũ chồng lũ. Cô trò mình lại nghỉ lụt từ 17 đến 25.10.
9.11.2020: Mệt mỏi lắm rồi! Chẳng còn đủ sức để ghi gì, kể gì nữa!
Nhà cũng thế, trường cũng vậy. Trước lụt thì lui cui bưng lên cao, chất chỗ này, nhét chỗ kia. Sau lụt lại lôi về, lại bưng bê, mang vác... GV đến trường vừa làm lao công, vừa làm cửu vạn. Lại còn dạy bù, dạy đuổi cho kịp chương trình. Mà sức người có hạn. Mình kiệt sức thật rồi! Ốm thật rồi! Mọi người cũng vậy. Nhưng, chẳng ai bảo ai, không kêu ca, phàn nàn, bởi “sống sót” đã là may! Chị em mình cứ động viên nhau thế! Lại nghe tin bão... ôi, sao miền Trung mình khổ thế! Thương! Lo! 11.11.2020: Giờ ra chơi, nhìn từ tầng 2 xuống, một cảm giác chạnh lòng không hề nhỏ. Ôi, bao công sức của cô trò mình đã tan tành sau lũ. Phải mấy ngày lui cui dọn dẹp, mình giờ mới kịp để nhận ra: đây cũng là một tổn thất không hề nhẹ. Bao nhiêu hoa, cây cảnh bị ngâm nước. Màu xanh của lá, màu vàng, đỏ của hoa, đã thay bằng màu xác xơ, bạc bẽo của bùn đất.
Mong đổi bông hoa lấy nụ cười của trẻ
Sau 40 ngày chịu bão lũ tàn phá, HS nghỉ học, GV của một ngôi trường vùng sâu vùng xa ở Thừa Thiên-Huế thay vì được nhận hoa chỉ mong trường sớm được khắc phục những thiệt hại.
Cô Trần Thị Yên chăm giấc ngủ trưa cho trẻ sau khi HS trở lại trường ngày 19.11 |
Tính đến ngày 19.11, Trường mầm non Phong Bình 2, xã Phong Bình, H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) dạy học trở lại được 3 ngày. Suốt 40 ngày qua, ngôi trường cách TP.Huế gần 50 km này dầm trong lũ khiến HS phải nghỉ học dài ngày. Trò nghỉ, nhưng thầy cô lại phờ phạc vì lũ. Vừa dọn lũ ở trường vừa dọn lũ ở nhà, nên tất cả 19 cán bộ, giáo viên ai nấy đều căng sức.
Trường có khoảng 140 HS, chủ yếu là con em dân nghèo vùng bãi ngang, vùng vạn đò Tân Bình, Đông Phú..., nơi đến chiều 19.11 đường đi vẫn ngập lũ.
Cô giáo Trần Thị Yên sau nhiều ngày qua cùng đồng nghiệp quần quật dọn lũ, cũng cho hay các đồng nghiệp hầu như không ai kịp nghĩ đến hoa, quà ngày 20.11. “Trường của mình xinh lắm, đẹp lắm chứ không tàn tạ như thế này đâu! Sau mấy đợt lũ bão, thấy trường mà xót. Mình chỉ mong được sự giúp đỡ sao cho bù đắp được những hư hỏng, mất mát mà trường hứng chịu. Nếu được ai đó dành tặng một bông hoa nhân ngày 20.11, mình chỉ mong đổi bông hoa ấy lấy nụ cười của các trẻ, của phụ huynh mà thôi”, cô Yên tâm sự.
Đình Toàn
Nhận xét
Đăng nhận xét