Ngày 22/11/2020 Chúa nhật
Ngày
21/11/2020 thứ bảy, độ
ẩm 82%, 22-28 độ C,Thế giới vẫn trong đại dịch toàn cầu 215/254 quốc gia), sáng trời nhiều mây, trưa & chiều
hửng nắng, 4:40 tôi dậy đi thể dục qua Lê Lợi sang Ngô Quyền, vào SVĐ & dạo
quanh thành cổ khoảng 50’ rồi về cho con Sói đi dạo phố 15’ qua Phú Hà, 7h mang
chổi tre quét sân cho ra ngõ 1 túi rác đã cho cơm cho Mylu bên Lê Lai ăn, về
nhà chơi với chị Hà Vy ở nhà, 9h mẹ Quỳnh & em Hoàng Kiên về nghỉ cuối
tuần, tôi ở nhà chơi với các bạn đến tối nhà Hà Vy đi dạo phố điểm tâm gì đó...
Ngày
22/11/2020 Chúa nhật, độ
ẩm 74%, 23-29 độ C,Thế giới vẫn trong đại dịch toàn cầu 215/254 quốc gia), sáng trời nhiều mây, trưa & chiều
hửng nắng, 4:40 tôi dậy đi thể dục qua Lê Lợi sang Ngô Quyền, vào SVĐ & dạo
quanh thành cổ khoảng 50’ rồi về cho con Sói đi dạo phố 15’ qua Phú Hà, 8h mang
cho cơm cho Mylu bên Lê Lai đưa ông Chiến, sáng nay ông về chơi nhà, quay về
nhà chơi với các cháu nhà Quỳnh – Thao, đến 17h hai mẹ con Hoàng Kiên vào ông bà
ngoại ở Z175, bố Thao đi làm máy cho khách, tôi cùng Hà Vy ra vườn hoa Vạn Xuân
chơi chờ hai bạn Trung-Châu nhưng không gặp, bà nội Hải Minh vào trong nhà chơi
với các cháu, cả nhà Khánh Ngân đều cúm...
CÔ và BÀ
Hà Vy đến lớp tặng cô hoa
Nhân ngày nhà giáo nước Việt ta
Về nhà cháu tặng hoa bà nội
Bà nội dạy Hà Vy ở nhà...
Ngày 19/11/2020
CÁCH TÍNH THỜI GIAN
Chiều nay ông đón con sớm thế
Có buổi lại trách đón muộn rồi
Thực ra thời gian thì không đổi
Chỉ tại bạn Ngọc về trước thôi...
Ngày 23/11/2020
80 năm Nam Kỳ khởi nghĩa: Mốc son vẻ vang trong lịch sử dân tộc
VOV.VN - Khởi nghĩa Nam Kỳ tuy diễn ra trong một thời gian ngắn (23/11 - 31/12/1940), bị kẻ thù dìm trong biển máu, song có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son vẻ vang trong lịch sử dân tộc.
Đêm 22, rạng sáng 23/11/1940, cách đây tròn 80 năm, khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các địa phương Nam Kỳ (18/20 tỉnh) với tinh thần quyết liệt, diễn ra mạnh nhất ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Khởi nghĩa Nam Kỳ tuy diễn ra trong một thời gian ngắn (23/11 - 31/12/1940), bị kẻ thù dìm trong biển máu, song có ý nghĩa lịch sử to lớn, là bước tập dượt trực tiếp cho quần chúng, cán bộ, đảng viên đi đến thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945.
Nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu
Cuối năm 1940, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của tổ chức cơ sở Đảng, nhân dân Nam Kỳ (Nam Bộ) đã anh dũng đứng lên khởi nghĩa, tiến công vào ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam Kỳ (1867) đến thời điểm đó; ghi dấu một mốc son vẻ vang trong dòng chảy lịch sử dân tộc.
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tại châu Âu, quân đội phát xít Đức với sức mạnh ban đầu vượt trội, nhanh chóng tràn vào nước Pháp (6/1940), giai cấp tư bản phản động Pháp chấp nhận đầu hàng làm tay sai cho chúng. Lợi dụng tình thế đó, ở Viễn Đông, tháng 9/1940, quân đội Nhật tiến vào Đông Dương. Chính quyền thực dân Pháp chống cự yếu ớt, rồi thỏa hiệp với phát xít Nhật để cùng nhau cai trị, bóc lột nhân dân Đông Dương. Mâu thuẫn giữa nhân dân Đông Dương với đế quốc phát xít Pháp - Nhật càng trở nên sâu sắc.
Hòng tiếp tục gây sức ép với thực dân Pháp và tạo thế đứng vững chắc ở Đông Dương, tháng 11/1940, phát xít Nhật xúi giục, giúp đỡ quân đội Thái Lan mở cuộc tiến công sang Campuchia. Để đối phó, thực dân Pháp tăng cường bắt lính ở Nam Kỳ ra mặt trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù chính sách thực dân và hưởng ứng khẩu hiệu của Đảng Cộng sản Đông Dương “Không một tên lính, không một đồng xu cho chiến tranh đế quốc”, lại được cổ vũ bởi tiếng súng cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940), nhân dân Nam Bộ sục sôi tranh đấu.
Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp lên cao, Xứ ủy Nam Kỳ (trực thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương) quyết định phát động toàn Nam Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Thời gian khởi nghĩa bắt đầu vào đêm 22, rạng sáng ngày 23/11/1940.
Trong lúc nhân dân Nam Kỳ tích cực chuẩn bị khởi nghĩa, Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 7 họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 đến ngày 9/11/1940 nhận định, điều kiện khởi nghĩa trong cả nước chưa chín muồi, từ đó đề nghị Xứ ủy Nam Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Tuy nhiên, do điều kiện truyền đạt thông tin liên lạc gặp khó khăn, lệnh đình chỉ khởi nghĩa của Trung ương từ miền Bắc vào chậm, trong khi mệnh lệnh phát động nổi dậy đã được ban bố toàn miền, không thể hoãn lại được.
Nhưng do có phần tử phản động lọt vào hàng ngũ cách mạng, nên trước ngày khởi sự, một số cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của ta bị địch bắt, kế hoạch khởi nghĩa bị lộ. Thực dân Pháp ra sức lùng sục bắt bớ, thiết quân luật giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến. Dù vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22, rạng sáng 23/11/1940.
Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng xuất hiện
Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại hầu hết các địa phương Nam Kỳ (18/20 tỉnh) với tinh thần quyết liệt, diễn ra mạnh nhất ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường giao thông... Chính quyền địch bị phá vỡ từng mảng lớn ở nông thôn và một số vùng ven đô. Chính quyền cách mạng được thành lập. Riêng tại Mỹ Tho, quần chúng đã nổi dậy giành quyền làm chủ ở 54 xã. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Những phần tử phản cách mạng bị đưa ra xét xử. Ruộng, thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.
Thực dân Pháp và tay sai đã tìm cách đối phó, đàn áp cuộc khởi nghĩa rất tàn khốc. Không quân Pháp ném bom tàn sát nhân dân những vùng nổi dậy, đặc biệt ở địa bàn trọng điểm như Năm Thôn, Cai Lậy, Chợ Giữa, Càng Long (Mỹ Tho) làm chết và bị thương hàng trăm người. Trong thời gian từ 22/11 đến 31/12/1940, ở các tỉnh Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, thực dân Pháp bắt gần 6.000 người yêu nước tham gia đấu tranh, trong đó hàng ngàn người bị địch giết hại, bị đày ra Côn Đảo và các trại tập trung. Một số cán bộ ưu tú của Đảng Cộng sản Đông Dương bị bắt từ trước cuộc khởi nghĩa cũng nhân dịp này bị chúng đưa ra xử bắn (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu...). Cơ sở Đảng bị tổn thất nặng, nhưng một số cán bộ và lực lượng nghĩa quân ít ỏi còn lại đã kịp thời rút vào rừng, lập căn cứ để củng cố lực lượng chờ cơ hội hoạt động trở lại.
Dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc
Khởi nghĩa Nam Kỳ tuy diễn ra trong một thời gian ngắn (23/11 - 31/12/1940), bị kẻ thù dìm trong biển máu, song có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son vẻ vang trong lịch sử dân tộc: Góp phần hiện thực hóa mục tiêu đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo; nêu cao tinh thần yêu nước quật khởi, ý chí đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Nam Bộ; khẳng định chủ trương của Ðảng về chuyển hướng chiến lược đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con đường đấu tranh bạo lực cách mạng rộng lớn mạnh mẽ đầu tiên, báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc đang đến gần; cũng là bước tập dượt trực tiếp cho quần chúng, cán bộ, đảng viên đi đến thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945.
Đặc biệt, một bộ phận lực lượng du kích từng tham gia khởi nghĩa rút về U Minh, Đồng Tháp Mười, Truông Mít,... đã trở thành một bộ phận lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của nhân dân ta, có đóng góp quan trọng vào thắng lợi về sau. Ghi nhận sự đóng góp to lớn của cuộc khởi nghĩa lịch sử này, ngày 14/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940.
Đồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ là thực tiễn sinh động về phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, vận dụng phù hợp, sáng tạo vào điều kiện thực tế của địa phương; chuẩn bị các điều kiện cần và đủ bảo đảm cho khởi nghĩa thắng lợi, nhất là vấn đề xây dựng lực lượng (bao gồm lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang), vấn đề nhận định, chớp đúng thời cơ; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, coi trọng giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng, khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm, hiệp lực của quần chúng; bảo đảm giữ vững tính nguyên tắc, tính khoa học trong lãnh đạo tổ chức thực hành khởi nghĩa, có dự trù kế hoạch tiến công và thoái thủ, các phương án thắng - thua và khả năng giải rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng. Những bài học kinh nghiệm đó được Đảng ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo vào giai đoạn đấu tranh trên các chặng đường về sau.
Khởi nghĩa Nam Kỳ là một trong những sự kiện quan trọng, để lại dấu ấn không thể phai mờ, là sự kiện chứa đựng bài học lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng và nhân dân ta. Tuy chưa thành công nhưng tinh thần đấu tranh và ý chí kiên cường, đấu tranh bất khuất, dám chấp nhận hy sinh giữa những người cộng sản và nhân dân miền Nam vẫn mãi mãi trường tồn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
80 năm đã trôi qua, nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn là một dấu mốc quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc./.
Nhận xét
Đăng nhận xét