Ngày 18/8/2023 thứ sáu
Ngày 18/8/2023 thứ sáu, thị xã có độ ẩm 74%, nhiệt độ 35-26 độ C, sáng nay trời mát Vào 4:45 tôi dậy thể dục như mọi ngày, qua hai quán cháo
lòng rồi bách bộ qua Phú Hà-Đinh Tiên Hoàng-Phùng Hưng-Phó Đức Chính, sau đó qua phố Lê Lợi rẽ ngõ 3 về nhà tắm gội & ăn sáng. Tranh thủ sang nhà Hải sắt uống trà cùng ông
Ngọc, Long, Hình & bà Mùi. Đến 7:55 chúng
tôi sang nhà văn hóa Ninh Tĩnh dự hội nghị vì anh ninh tổ quốc do UBND phường
tổ chức điểm tại tổ Ninh Tĩnh, với khách mời cấp thị xã, phường & 6 tổ dân
phố dự(nhóm 13 có các ông Thanh-Lưu, Ngọc, Long dự), sau gần một tiếng dành cho
ca, múa, nội dung chính của hội nghị cũng chỉ gần một tiếng là bế mạc lúc 9:35 với
3 tổ chức & 7 cá nhân được tặng giấy khen của CT UBND phường Lê Lợi, hội nghị
bế mạc trong tiết trời dịu mát hơn vì trước đó có cơn mưa rất lớn nhưng vùng
trời thị xã thì vẫn nắng nhẹ sau những đám mây mưa đen xì đã tan. Chị Vy
chơi ở nhà, sau đó khóa cửa chơi cùng bạn Su. Bà nội chạy cơn mưa lớn nên hơn
9h đã về & nấu cơm sớm hơn mọi ngày.
Đề xuất quy hoạch Ba Vì - Sơn Tây thành thành phố du lịch
Trong hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển TX Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành thành phố du lịch vùng thủ đô Ba Vì - Sơn Tây là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch vùng Bắc Bộ.
Theo Cổng TTĐT TP Hà Nội, vừa qua, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội phối hợp cùng đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển TX Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo báo cáo định hướng của đơn vị tư vấn tại Hội thảo, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ và Đan Phượng là 4 huyện, thị xã ngoại thành phía tây trung tâm Thủ đô Hà Nội, được bao quanh bởi sông Hồng ở phía Bắc, sông Đà ở phía Tây, kết nối với trung tâm Hà Nội chủ yếu qua QL 32.
Kinh tế chủ đạo của huyện Ba Vì là nông nghiệp, nhưng có sự chuyển dịch dần sang thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng; còn của TX Sơn Tây là thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng, dù tốc độ chuyển đổi cơ cấu thương mại dịch vụ còn chậm.
Đối với huyện Phúc Thọ, kinh tế chủ đạo là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đến năm 2022, toàn huyện có 223 doanh nghiệp, 4.321 hộ sản xuất kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp; còn huyện Đan Phượng, trong 3 năm gần nhất, có tốc độ đô thị hoá nhanh, tỷ trọng thương mại dịch vụ ngày càng tăng.
Theo đơn vị tư vấn, tính chất liên kết và kết nối vùng tại 4 huyện, thị xã còn yếu, tập trung chủ yếu vào QL 32. Các dự án có tính động lực, điểm nhấn thúc đẩy phát triển chung đã hoạch định nhiều nhưng chưa triển khai, chưa hình thành.
Các dự án chậm triển khai, các dự án treo theo mô hình khu dân cư làm ảnh hưởng tới mặt bằng phát triển, nguồn lực đầu tư phát triển và chính sách phát triển chưa đột phá…
Trên cơ sở phân tích những vấn đề còn tồn tại của 4 địa phương, đơn vị đưa ra định hướng chiến lược phát triển chung là kế thừa phát triển Quy hoạch 1259 và Vùng Thủ đô, khai thác lợi thế QL 32 và sự bổ trợ của tuyến hành lang sông Hồng, sông Đà, Đại lộ Thăng Long… xây dựng dải đô thị du lịch và nông nghiệp phía Tây Bắc Thủ đô.
Bên cạnh đó, thu hút phát triển các trung tâm chức năng mới của nền kinh tế như dịch vụ du lịch quốc tế, thủ phủ thể thao vui chơi giải trí, kinh tế tri thức... để hình thành các khu vực phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với đô thị.
4 huyện, thị xã trên cũng sẽ phát triển các khu vực đô thị tập trung theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) gắn với hình thành hệ thống giao thông hiện đại, thông minh, hạ tầng đô thị đồng bộ, hấp dẫn, thu hút dân cư, đặc biệt lực lượng lao động tri thức, chất lượng cao.
Phát triển không gian gắn với hình thành các trục quan trọng của Hà Nội gồm: hành làng sông Hồng, sông Đà, hành lang QL 32, và trục Hồ Tây - Ba Vì...
Đề cập đến tính đột phá trong định hướng phát triển, đơn vị tư vấn đề xuất hình thành thành phố du lịch vùng thủ đô Ba Vì - Sơn Tây (Sơn Tây là cửa ngõ - Ba Vì là trung tâm) là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
Gia tăng liên kết vùng - đề xuất đường sắt đô thị kết nối tới đô thị vệ tinh Sơn Tây và kết nối tới trung tâm du lịch huyện Ba Vì - đô thị Tản Viên Sơn. Khai thác hành lang kinh tế, đô thị, du lịch, nông nghiệp dọc tuyến sông Đà - sông Hồng.
Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cụm đổi mới hỗ trợ các vùng nông nghiệp nông thôn, tập trung chủ yếu tại Ba Vì, Phúc Thọ. Riêng Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ phát triển mô hình đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị nông nghiệp, còn Đan Phượng phát triển mô hình đô thị nén, TOD phía đông vành đai 4…
Trao đổi về các nội dung định hướng được đơn vị tư vấn đề xuất tại Hội thảo, lãnh đạo các sở ngành, chuyên gia và 4 huyện, thị xã cho rằng, đánh giá hiện trạng, chỉ tiêu, định hướng nhiều lĩnh vực trên địa bàn các địa phương trong phương án phát triển còn chưa cụ thể, số liệu chưa được cập nhật.
Do đó, các sở, ngành, lãnh đạo các địa phương đề nghị đơn vị tư vấn cập nhật số liệu mới, đồng thời, khảo sát kỹ hiện trạng, nghiên cứu, bổ sung những nét đặc thù, thế mạnh, lợi thế phát triển của từng địa phương nhằm hoàn thiện phương án phát triển để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nội dung định hướng tư vấn đưa ra cần phải làm thế nào để phát huy được bản sắc của một vùng văn hoá đặc biệt - văn hoá xứ Đoài trong tổng thể quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội.
Điểm nghẽn của 4 địa phương hiện nay là kết nối giao thông, báo cáo tư vấn mới chỉ tập trung kết nối đường bộ, chưa quan tâm nhiều đến yếu tố kết nối từ đường vành đai, đường sông… Trong khi sông Hồng vẫn là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô, sản sinh ra văn hoá. Do đó, tư vấn nên tính kỹ vị trí, vai trò của sông Hồng trong chức năng khu vực vùng lõi của văn hóa xứ Đoài này.
TX Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho rằng, một điểm nghẽn hết sức quan trọng mà đơn vị tư vấn cần đề cập đến đó là vấn đề môi trường ở bãi rác Xuân Sơn và ba sân golf của hồ Đồng Mô.
Trong quy hoạch lần này, Sơn Tây mong muốn làm sống dậy dòng sông Tích, sông Hang chảy qua khu vực thị xã, đồng thời, cả hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh,… đảm bảo về mặt môi trường, phát huy giá trị cảnh quan.
Trong định hướng quy hoạch, Sơn Tây mong muốn thành phố quan tâm, tích hợp các dự án lớn về du lịch trên địa bàn như các dự án tại hồ Xuân Khanh, 72 ha ở Kim Sơn, xung quanh hồ Đồng Mô.
Đồng thời, bổ sung phát triển thêm về các không gian du lịch ở hai bên bờ sông Tích; mở rộng tuyến phố đi bộ gắn với các thiết chế văn hoá; hệ thống giao thông bổ sung thêm các tuyến 414B, 417, Thành cổ Sơn Tây - Đền Và - Phùng Hưng - Ngô Quyền…
Lãnh đạo TP Hà Nội yêu cầu các địa phương cần phối hợp với đơn vị tư vấn, sở ngành, các chuyên gia để thực hiện xây dựng các bước báo cáo lập Quy hoạch để kịp thời gian theo quy định. Báo cáo xây dựng cần có sự đánh giá kỹ hiện trạng, thực trạng, những vấn đề còn tồn tại cùng với việc nêu được tiềm năng, lợi thế.
Từ đó có cái nhìn toàn diện, đưa ra được định hướng, mục tiêu phát triển có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời, đưa ra được danh mục dự án ưu tiên thực hiện.
Đối với đơn vị tư vấn và Sở Tài nguyên và Môi trường cần rà soát các vấn đề liên quan đến hệ thống bản đồ hiện trạng và bản đồ cập nhật định hướng. Riêng với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội cần thống nhất khung báo cáo, trong đó, rõ nội dung từng lĩnh vực, sở ngành, quận huyện.
Nhận xét
Đăng nhận xét