MỘT NGÀY RÉT 9,8 ĐỘ CỦA HÀ NỘI, ngày 17/1/11

Sáng nay 17/1/11 trời có chút nắng, tuy vậy qua trưa đến đầu giờ chiều nắng trốn mất để lại cái giá buốt mùa đông, hôm nay cấp 1 được nghỉ học....Bầm cũng chống rét bằng cách nằm  trong chăn với cửa sổ đóng kín, túi nước luôn nóng đầy.
Ngoài nhà mình và Thao cùng CÚM tuy đỡ nhưng chưa bình thường, nên sáng nay C Trường gọi xuống chơi mình chưa nhận lời, rét năm nay ngang 2008 hoặc có phần hơn làm cho nhiều ngành điêu đứng nhất là nông dân phía bắc còn 1 độ, ngoài thị trường thì con ngựa bất kham GIÁ vẫn phi nước đại, theo quy luật nó lập kỳ tích giá mới vào gia giêng...
Chiều nay ĐH 11 bầu 175 CT & 25 DK của nhiệm kỳ 2011-2015, dẫu sao thì nó vẫn là một cái mốc lịch sử quan trọng....

17/01/2011
Ông Giám đốc không biết chữ
TP - Suốt đêm 18 rạng 19-7-2010, các quan chức Hải Phòng cùng Vinashin chầu chực, chờ đợi căng như dây đàn để tìm phương án kéo con tàu biển Vinashin Orient đang bám chặt cầu Bính (Hải Phòng) ra... Thật bất ngờ, người thực hiện giải cứu cầu Bính thành công lại là một vị giám đốc không hề biết chữ.
Trục vớt tàu là công việc khó khăn, nguy hiểm
Trục vớt tàu là công việc khó khăn, nguy hiểm.
Đêm muộn, tôi thấy mấy con tàu (giống sà lan hơn) cũ kĩ như đống sắt gỉ nổ phành phạch lừ lừ tiến gần con tàu “khủng” Orient.

Đội quân chân đất
Lẵng nhẵng bên cạnh “khối sắt vụn nổi” đó là mấy con thuyền nan gắn máy tí teo. Mấy anh bên cảng vụ nói như thở dài “nhóm giải cứu cầu Bính đã đến...” Lát sau, trên “đống sắt vụn” và mấy cái thuyền nan nổ máy yếu ớt, một nhóm người lớn bé, già trẻ đủ cả, cởi trần trùng trục, chẳng mũ hay quần áo bảo hiểm gì cả cứ thế hò hét nhau quăng dây buộc chỗ này, căng chỗ kia... rất thô sơ.
Được một lúc, cái dây chão buộc vào tàu Orient để kéo đứt phựt và con tàu trọng tải 8.300 tấn không thèm nhúc nhích khiến nhiều người ngao ngán. Trước đó, cả chục con tàu lai dắt, tàu kéo vào loại hiện đại nhất nước của cảng Hải Phòng, cảng vụ, Vinashin điều đến để giải cứu cầu Bính còn bó tay.
Chẳng ai tin mấy cái “đống sắt vụn” di động dưới cầu kia làm được trò trống gì. Hiếu kì xem một lúc, mọi người nản, tản đi hết. Thở dài đánh sượt, một phó tổng Vinashin rút máy di động gọi, có ý nhờ người bên kia đầu dây tìm xem có đội cứu hộ nào chuyên nghiệp, phương tiện hiện đại và đưa ra được phương án giải cứu tốt nhất để làm hợp đồng thuê ngay ngày mai.
“Giờ gấp lắm rồi, chi phí không quan trọng...”, ông này sốt ruột. Đến 2 rồi 3 giờ sáng vẫn chưa thấy gì... Cánh phóng viên khư khư máy ảnh hy vọng săn được cảnh giải cứu cầu Bính chầu chực từ chiều hôm trước đến giờ đã thấm mệt tìm chỗ ngả lưng...
Hơn 5 giờ sáng, một người quen gọi báo “cầu Bính đã được giải cứu xong...”. Và, người hùng đó chính là anh Trần Văn Văn cùng đội nhân viên trên chiếc xà lan cũ kỹ.
Ngay sáng đó, tìm đến nhà anh Văn hút sâu trong ngõ trên đường Bạch Đằng (phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng), tôi thấy cửa nhà có cái biển nhỏ bằng hai viên gạch đóng chĩnh chện vào tường đề “Cty TNHH dịch vụ thương mại Mạnh Nam”.
“Với phương tiện thô sơ như thế, chắc là anh ngạc nhiên lắm khi thấy chúng tôi kéo được con tàu ra khỏi gầm cầu Bính chứ gì. Trước đó, cũng như anh thôi, hầu hết mọi người đều không tin tôi có thể làm được. Nhưng việc gấp quá rồi nên cứ kệ để tôi thử xem sao. Tôi xin làm và khẳng định là làm được. Mọi người cười không nói gì. Tôi trục vớt hàng trăm con tàu lớn rồi, thậm chí người ta thuê ra cả nước ngoài trục vớt đấy”, anh Văn nói.
Vừa trò chuyện, anh Văn liên tục nghe điện thoại. “Sáng mai, tôi lại phải đi đảo Cát Bà sớm, có cái tàu mới bị đắm. Họ lại gọi điện nhờ mình ra vớt...”.
Anh Văn luôn bận rộn
Anh Văn luôn bận rộn.
Cuối năm 2009, một con tàu hàng hơn 10.000 tấn không hiểu sao phi lên luôn bãi đá ở Dung Quất (Quảng Ngãi). Nhiều đội cứu hộ với trang thiết bị hiện đại ra tay, con tàu vẫn không nhúc nhích. “Tôi kéo quân vào tìm cách kéo nửa ngày là xong. Rồi mấy con tàu bị đắm ở cửa biển vào cảng Hải Phòng, Quảng Ninh”...
Anh Văn nói đã cùng anh em trục vớt gần 200 con tàu, lớn bé đủ loại, từ vài chục tấn đến hàng nghìn tấn. Có người còn thuê anh sang tận cảng Phòng Thành (Trung Quốc) để trục vớt tàu đắm.
Anh Văn kể về những lần đi trục vớt tàu hàng, tàu đánh cá bị đắm bất ngờ. Nhiều người không kịp thoát ra, xác vẫn mắc lại trong các khoang tàu. Anh Văn phải lặn xuống lần mò từng khoang để kéo từng thi thể ra khỏi tàu...

Không biết chữ, lập Cty vẫn đắt hàng
Lan man chuyện trục vớt sang việc làm ăn, anh Văn hồ hởi khoe, để tiện việc giao dịch và làm ăn nghiêm túc, cách đây ba năm anh quyết định thành lập công ty và lấy nhà làm trụ sở.
Rồi trò chuyện gia đình, quê quán, tôi chợt giật mình thất kinh khi biết ông giám đốc ngồi nói chuyện từ nãy đến giờ với mình hoàn toàn mù chữ, cả đời chưa một lần cắp sách đến trường... Đưa tờ báo ra còn không biết đánh vần.
Năm 1965, trên một con thuyền nan bé tí tẹo, anh Văn ra đời. Khi lớn lên và đến giờ lên chức ông ngoại, anh cũng chỉ biết cha mẹ nói lại là quê ở xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, Hải Dương. Bởi đến cha mẹ anh Văn sinh ra cũng đã ở trên thuyền rồi. “Bao nhiêu đời nhà tôi sống bằng nghề sông nước, tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng khi mình sinh ra đã ở trên thuyền nan, nay đây mai đó theo các dòng sông để kiếm ăn. Tuổi thơ và tuổi trẻ chỉ biết mỗi đói và rét. Thậm chí, rất đói nữa là khác...”, anh kể.
Anh Văn là con thứ 5 trong gia đình 7 anh chị em. Tất cả đều sinh ra và lớn lên trên thuyền. Và cả 7 anh chị em đều mù chữ. Sáu tuổi, cậu bé Văn đã biết chèo thuyền. Chưa 10 tuổi đã biết bơi phụ giúp cha mẹ mưu sinh, trông em...
Mùa đông năm 1982, khi đó mới 17 tuổi, anh lấy vợ là chị Sa hơn 3 tuổi. Gia đình nhà chị Sa cùng hoàn cảnh như nhà anh Văn, cũng sống trên thuyền, đói nghèo và mù chữ. Hôn lễ được tổ chức trên thuyền. “Gọi là đám cưới chứ chỉ có mâm cơm còn độn sắn để hai gia đình ăn cùng nhau, chứng kiến chúng tôi nên vợ nên chồng chứ làm gì có cỗ bàn...”, anh Văn kể.
Lấy nhau, vợ chồng anh Văn ra ở riêng, “nhà” là một cái thuyền nan khác. Một năm sau, con gái đầu lòng ra đời, rồi đứa thứ hai, thứ ba... Cả thảy giờ là 5 đứa con, đều đẻ trên thuyền. Không giấy khai sinh, không hộ khẩu... Thuyền nan thì bé, gà lên chuồng cũng là giờ chuẩn bị đi ngủ lại không hiểu biết “kế hoạch hóa” là gì nên cứ sòn sòn...
Ai thuê gì, anh làm tất, miễn không vi phạm pháp luật để kiếm miếng cơm về cho vợ con đang đói ở “nhà”. “Mò sắt vụn, bắt cá hau ở cửa sông... làm tất không quản trời đông giá rét căm căm. Khi đó, tôi lặn sâu đến 11 sải tay (gần 20 mét), làm liên tục vài ba ngày, ai thuê tôi lặn vớt tìm cái gì tôi cũng làm...”, anh Văn nói.
Cứ lần hồi sinh sống bằng nghề sông nước, anh tích luỹ được khá nhiều kinh nghiệm mà như anh nói là mẹo nên gặp bất cứ tàu đắm nào, kiểu gì anh cũng tìm ra được mẹo trục vớt được, hay lôi nó ra khỏi nơi mắc cạn.
Chỉ tay vào ngôi nhà ba tầng rộng rãi mới xây khang trang, đầy đủ tiện nghi ngay khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng giá hiện thời phải gần 2,5 tỷ đồng mà nhiều gia đình công chức đất Cảng mơ ước, anh khoe “sau nhiều năm lao động cật lực, chắt chiu từng đồng, năm 1999, vợ chồng tôi mua được mảnh đất 90 m2 này với giá 7,5 cây vàng, dựng tạm nhà chui ra chui vào.
Người nhái thuộc Cty Mạnh Nam
Người nhái thuộc Cty Mạnh Nam.
May mắn nhờ kinh nghiệm trục vớt tàu đắm mà đến năm 2009 xây được cái này. Mở công ty, lấy nhà làm trụ sở luôn... Nhiều lúc ở trong nhà mình mà như nằm mơ. Không nghĩ đến một ngày nào đó, mình có nhà có cửa lại khang trang như này...”.
“Vợ chồng anh đều mù chữ cả lại dám thành lập cả công ty. Thế điều hành kiểu gì, liều thế?”, tôi gạn hỏi. Chị Sa cười tít mắt: “Đúng là vậy! Ông ấy chỉ biết vẽ mỗi chữ “Văn” gọi là chữ kí chứ cái danh thiếp vừa đưa cho chú cũng đánh vần mãi chả xong. Vấn đề là chúng tôi có buôn bán làm ăn gì lớn đâu. Người ta thuê mình trục vớt tàu thì mình làm. Xong họ trả công thế thôi. Vả lại, cũng chẳng ai lừa mình cả. Toàn người nhà mà.
Thành lập công ty để làm ăn cho đúng quy định pháp luật. Thế chẳng tốt hơn sao. Cái vụ giải cứu cầu Bính vừa rồi đấy. Ông Văn mang về mấy tờ báo đăng việc đó nhưng có biết chữ đâu, đành bảo mấy đứa con đọc váng cả nhà cho nghe...”.
Lam Khê

Ông Trần Đăng Tuấn làm Tổng Giám đốc AVG

Ông Trần Đăng Tuấn đã chính thức trở thành Tổng Giám đốc Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) thuộc An Viên Group từ 1/1/2011.
Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch An Viên Group - đã chính thức xác nhận thông tin này.
Ông Trần Đăng Tuấn
Được biết, tháng 12/2010, Đài Truyền hình Việt Nam đã có quyết định đồng ý để ông Trần Đăng Tuấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam - chuyển về công tác tại AVG theo đề nghị của An Viên Group.
Ông Trần Đăng Tuấn đã chính thức đảm nhiệm công việc Tổng Giám đốc AVG từ ngày 1/1/2011.
Ông Trần Đăng Tuấn sinh năm 1957, quê Nam Định, là Tiến sĩ ngành báo chí được đào tạo tại Đại học Tổng hợp Lomonoxop và Viện Hàn lâm Khoa học ở Liên Xô (trước đây). Về nước, ông công tác tại Đại học Tuyên giáo, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Sau đó, ông được mời về công tác tại Ban Thời sự quốc tế của VTV. Hơn 20 năm công tác tại VTV, ông Trần Đăng Tuấn đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chiến lược Đài Truyền hình Việt Nam giai đoạn 1996 - 2000 và 2000 - 2010.
Ông cũng là người nêu ý tưởng và thực hiện việc mở nhiều kênh sóng truyền hình từ điểm xuất phát VTV chỉ có một kênh.
Theo Dân Việt

Tổng giám đốc AVG: "Tôi vẫn lần tràng hạt mỗi ngày…"

Đầu húi cua, vẻ mặt nom ngầu nghì nhưng ánh mắt lại chân thành là ấn tượng ban đầu của tôi với Phạm Nhật Vũ.
Chúng tôi chủ định chỉ ngồi khoảng 30 phút nhưng rồi hơn 2 tiếng đồng hồ trôi qua. Tôi định tìm hiểu kỹ hơn về sự đầu tư của Phạm Nhật Vũ - Tổng Giám đốc An Viên Group - vào lĩnh vực cung cấp cơ sở hạ tầng cho truyền hình nhưng rồi chúng tôi lại chuyển sang chuyện đời, chuyện người từ lúc nào…
"Người kinh doanh sẽ chỉ thành công nếu họ làm cái gì mà họ thấy say mê".
"Chữ tín trong cuộc sống…"
Vũ đưa tôi danh thiếp, một cách xã giao thông thường khi 2 người gặp nhau. Tôi để ý thấy phía sau tấm thiếp của Vũ có 1 chữ "tín" viết bằng chữ nho rất to.
Tôi thấy khá nhiều doanh nhân hay dùng chữ "nhẫn" sao anh lại dùng chữ "Tín"?
Đó là một câu chuyện dài. Gần 20 năm trước, chúng tôi khởi nghiệp kinh doanh tại Liên Xô cũ. Lúc đầu chúng tôi sản xuất, rồi mở rộng sang các lĩnh vực khác nữa. Qua rất nhiều thăng trầm, thất bại cũng như thành công, tôi bỗng nghiệm ra một điều: Triết lý của đạo Phật thật là cao siêu và chữ "Tín" trong đạo Phật đã như một phần của cuộc đời tôi.
Anh hiểu chữ "Tín" ở đây như thế nào?
Chữ "Tín" hiểu đơn giản là niềm tin. Trong khi làm việc, nếu anh không có chữ tín anh không thể thành công được. Đã hứa thì phải giữ lời hứa, có thế mới giữ được sự tín nhiệm của người khác với mình. Và suốt từ năm 2000 đến bây giờ, khi tôi hiểu hơn nữa về Phật Pháp, tôi luôn đặt chữ "Tín" lên hàng đầu.
Hãy biết tiết kiệm lời hứa
Và anh rất tiết kiệm lời hứa?
Đúng như vậy. Vì đã hứa thì phải làm bằng được.
Có bao giờ anh cáu giận?
(Khi tôi hỏi câu này, Vũ lấy ra một cái vòng tràng hạt bằng gỗ nâu bóng. Một cái vòng đeo tay, cỡ khoảng gần 20 hạt to bằng hạt nhãn).
Hồi trước thì nhiều, nhưng bây giờ tôi đã vứt bỏ được sự cáu giận đến 80%. Mỗi ngày, tôi đều cố gắng ngồi tịnh tâm một lúc, thả hồn thanh thản. Tay tôi lần những tràng hạt này.
Anh thấy tác dụng chứ?
Vô cùng. Anh cũng nên thử. Phép tĩnh tâm trong đạo Phật đúng là cao siêu.
Nếu một nhân viên làm sai, anh sẽ ứng xử thế nào?
Trước kia thì tôi đã la mắng, thậm chí cho thôi việc. Nhưng bây giờ tôi lại làm khác. Nhẹ nhàng hơn rất nhiều (cười).
Theo triết lý nhà Phật, anh thấy kinh doanh có thuận lợi không?
Tôi nghĩ là rất tốt. Một điều tối thiểu trong Lục Hòa (6 điểm hòa hợp) mà Đức Phật đã dạy là "lợi hòa  đồng quân", có nghĩa là phải biết cân bằng các lợi ích, khi có lợi thì cùng chia.
Tôi thực sự say mê
Tôi đã có lần đi qua đảo Phú Quý, Nha Trang nơi anh đang xây dựng khu quần thể biệt thự An Viên nằm sát biển rất  đẹp. Vậy tại sao anh lại "nhẩy" vào cơ sở hạ tầng cho truyền hình là một lĩnh vực có vẻ tay ngang với anh?
Người kinh doanh sẽ chỉ  thành công nếu họ làm cái gì mà họ thấy say mê. Tôi thực sự thấy say mê lĩnh vực này, do vậy trong mấy năm qua tôi tìm hiểu rất kỹ về  truyền hình, cả về kỹ thuật số mặt đất và vệ tinh. Tôi cũng lập ra các đơn vị độc lập với nhau trong AVG để khảo sát các dữ liệu. Nói chung là phải rất chắc chắn mới dám đầu tư.
Anh không phải là người ưa mạo hiểm?
Không. Tôi rất thận trọng.
Như vậy nói nôm na, nếu đầu tư vào lĩnh vực này thì anh giống như là "cửu vạn" cho các Đài truyền hình và Kênh truyền hình?
Đúng như vậy. Tôi là người chuyên chở, cung cấp dịch vụ. Các đơn vị có nhu cầu thuê tôi thì sẽ trả tiền cho tôi. Rồi tôi bán hộp giải mã kỹ thuật số cho khách hàng. Tôi hy vọng sau 3 - 4 năm, AVG sẽ có được khoảng 3 triệu thuê bao kỹ thuật số.
Chấp nhận lỗ cho cuộc chơi
Anh đã tính đến khoản lỗ khi đầu tư cho AVG trong lĩnh vực truyền hình này?
Tôi đã dự tính phải khoảng 5 năm đầu là đầu tư và chỉ  có lỗ. Số tiền cũng rất lớn, khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng. Đầu tư vào lĩnh vực này cần rất nhiều tiền. Ví dụ, chỉ cần đầu tư vào một trạm thu phát sóng cũng cỡ khoảng 1 triệu USD cho một điểm (với 3 máy phát dùng cho 3 tần số). Ngay giai đoạn đầu đã phải đầu tư khoảng 25 trạm chính và 10 trạm kích hoạt phụ. Phải làm sao phủ sóng cho khoảng 85 - 90% dân số cả nước xem được thì mới thành công.
Triết lý trong đạo Phật mà Phạm Nhật Vũ tâm niệm có 5 chữ: Tín (có niềm tin, tôn trọng và giữ đúng lời hứa với người khác để có được sự tín nhiệm của mọi người), tấn (tu hành rốt ráo, nâng cao kiến thức), niệm (luôn luôn có ý nghĩ trong sáng), định (không bị xáo trộn, luôn vững vàng), tuệ (trí tuệ mẫn tiệp, quyết định sáng suốt).
Trong đó chữ Tín luôn đứng ở đầu.
Anh có tin sản phẩm mà mình cung cấp sẽ được khách hàng đón nhận?
Tôi tin chứ. Chất lượng phải rất cao thì người ta mới mua sản phẩm của mình.
Nhưng chất lượng cao đồng nghĩa với công nghệ cao. Anh khai thác công nghệ cao này thế nào?
Tôi thuê rất nhiều tư  vấn nước ngoài. Họ vừa cung cấp công nghệ và tham gia việc lắp đặt cho tôi, vừa dạy tôi.
Nhưng người xem hiện nay vẫn chưa quen lắm với hình thức phải trả tiền khi xem truyền hình?
Đó là các kênh truyền hình quảng bá. Xu hướng truyền hình trả tiền để có thể xem được nhiều kênh, chất lượng cao hơn là xu hướng tất yếu. Thế giới đều vậy và Việt Nam cũng sẽ không ngoại lệ.
Có dư luận cho rằng khi AVG xuất hiện, thì anh đang mở ra một sân chơi và cạnh tranh ngay với các đài truyền hình khác?
Tôi không thấy như vậy. Các  đài lại rất ủng hộ vì họ có nhiều sự lựa chọn hơn, ít nhất là trong việc truyền dẫn. Nếu chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý  hơn thì có lợi cho họ hơn chứ và  cuối cùng là khán giả xem truyền hình là những người có lợi nhất.
Anh đã bắt đầu bán sản phẩm chưa?
Hiện nay tôi mới đang thực hiện ở giai đoạn phát sóng thử nghiệm. Phải thật tốt mới có thể bán được.
Nhưng anh có đầu tư vào các kênh truyền hình không?
Tôi chỉ hợp tác với  Đài Truyền hình Bình Dương để sản xuất 2 kênh chương trình về văn hoá và thể thao.
Đầu tư lớn vậy anh cũng phải tính đến việc hút các nhân sự giỏi biết làm truyền hình từ các nơi khác về chứ?
Tất nhiên. Nhưng tôi không có chủ trương "móc" người của các Đài truyền hình về. Họ về hay không là hoàn toàn tự nguyện.
"Lợi người, lợi mình"
Anh có tin là mình sẽ  thành công khi đầu tư vào lĩnh vực này?
Đương nhiên cái gì cũng có tỷ lệ rủi ro. Nhưng tôi cho rằng tôi sẽ thành công. Còn nếu thất bại có khi cũng lại là thành công nếu cho mình những bài học tốt trong cuộc sống, trong kinh doanh. Tôi cố gắng vượt qua chính mình và vẫn luôn hiểu rằng chẳng có cái gì mình được tất cả. Phải làm lợi cho người thì rồi mới có lợi cho mình.
"Đương nhiên cái gì cũng có tỷ lệ rủi ro"
Và trong công ty của anh, có những thứ thuộc về văn hoá công ty?
Đấy là chữ "Tín" mà tôi nói với anh. Khi anh đã tin vào Phật Pháp thì chẳng có gì anh phải sợ nữa cả. Cái đấy có lẽ là cái được nhất trong cuộc đời, hơn cả địa vị, tiền bạc...
Vậy xin hỏi anh thêm một câu nữa: Anh có cảm thấy hài lòng với những gì hiện  nay của anh?
Tôi thấy rất hài lòng.
Cảm ơn anh về cuộc trò  chuyện này.
(Chúng tôi chia tay lúc gần 6 giờ chiều. Và theo Vũ thì lịch làm việc của anh sẽ kín đặc đến khoảng 9 giờ tối, tuy nhiên anh vẫn cố gắng để có vài phút tĩnh tâm, hít thở và lần tràng hạt giữa những khoảng trống thời gian của công việc).
Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) được thành lập năm 2008 với số vốn điều lệ ban đầu là 1.800 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực thiết lập mạng hạ tầng và cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất, kỹ thuật số vệ tinh và sản xuất khai thác bản quyền để cung cấp dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất và kỹ thuật số vệ tinh.
AVG không phải là một đài truyền hình tư nhân như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Theo Minh QuangBee.net.vn

AVG là ai?

Rất nhiều người thắc mắc AVG là ai mà có thể khiến Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) đủ dũng cảm “ly dị” Đài truyền hình quốc gia (VTV)?
Trong vài tháng gần đây, làng truyền thông VN xôn xao bàn tán về sự xuất hiện của AVG - Một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông mới xuất hiện, chưa có sản phẩm nào “trình làng”, nhưng được dự báo sẽ là một gương mặt đáng gờm với bất cứ ai, cho dù đó là Đài truyền hình quốc gia!
Công ty tư nhân đầu tiên được truyền dẫn phát sóng
AVG là viết tắt của Audio Visual Global - là tên gọi tắt của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu. Tháng 9/2010, AVG đã có một buổi tiệc ra mắt mang tính chất gặp gỡ thân mật. Tại đó, ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch hội đồng quản trị AVG - cho biết vốn pháp định của AVG là 1.400 tỉ đồng. Nhưng thông tin mới nhất do ông Vũ cho biết: vốn của AVG đã tăng lên 1.800 tỉ đồng, từ sáu cổ đông chính, trong đó có Tập đoàn An Viên.
Trong danh sách 100 người giàu nhất thị trường chứng khoán VN (tổng kết năm 2009), mọi người không thấy tên ông Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên, trong giới kinh doanh ở VN có lẽ không ai không biết ông Vũ - em trai của ông Phạm Nhật Vượng (Công ty Vincom - Người được xem là giàu nhất VN hiện nay, căn cứ vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán).
Tập đoàn An Viên của gia đình họ Phạm là cổ đông lớn nhất của AVG. Công ty AVG đã được cấp các giấy phép cần thiết cho việc truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên phạm vi toàn quốc, truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số vệ tinh. Như vậy, AVG là công ty tư nhân đầu tiên ở VN được phép truyền dẫn phát sóng truyền hình.
Hồi 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 10/10/2010, AVG đã thực hiện việc phát sóng thử nghiệm. Hiện nay, các kênh truyền hình AVG chưa thể đến được với người dân là vì AVG chưa cung cấp đầu giải mã kỹ thuật số (set top box) ra thị trường.
Nỗi lo của các liên đoàn
Cách đây vài tháng, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có một cuộc họp do Thứ trưởng Nguyễn Danh Thái chủ trì, với sự tham gia của đại diện các liên đoàn thể thao ở VN. Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã yêu cầu các liên đoàn nên hợp tác với AVG trong việc bán bản quyền truyền hình kéo dài 20 năm!
Đón nhận “chỉ đạo” này, đại diện các liên đoàn mang nhiều tâm trạng khác nhau. Người thì hớn hở vì “cả đời có bao giờ cầm được một đồng nào từ truyền hình, nay dù chỉ 100-200 triệu đồng/năm cũng quý”. Người thì băn khoăn: “Nhiệm kỳ chỉ có năm năm, làm sao tôi dám bán 20 năm?”. Người thì thắc mắc: “AVG đã có gì trong tay đâu, mua bản quyền rồi phát sóng ở chỗ nào? Không khéo mua xong rồi không có đầu ra làm ảnh hưởng đến các liên đoàn khi đi vận động tài trợ”...
“Việt Nam là một trong những nước phát triển nhanh nhất thị trường truyền hình trả tiền ở châu Á - Thái Bình Dương. SES tự hào hợp tác với các nhà điều hành dịch vụ truyền hình vệ tinh tư nhân duy nhất tại Việt Nam, và lên kế hoạch để hỗ trợ nhanh AVG chiến lược phát triển mạnh mẽ tại thị trường này”.
Ông Scott Sprague - Phó Chủ tịch kinh doanh của SES
Một vài câu hỏi đã được giải đáp sau khi VFF đi tiên phong trong việc ký hợp đồng, mà ngày 18/12 sẽ chính thức họp báo để công bố. Theo đó, sẽ không ngại trong tương lai nếu V-League phát triển quá mạnh thì VFF thiệt, bởi trong hợp đồng có điều khoản cho phép VFF được yêu cầu AVG phải ngồi lại thương thảo cho phù hợp với thực tế.
VFF chỉ thu được 3 tỉ đồng từ bản quyền truyền hình V-League năm 2010, nay nhận được gấp đôi số đó từ AVG trong năm 2011. Tiếp đến, cứ mỗi năm sẽ cộng thêm 10% so với năm trước. Và nữa, nếu V-League 10 năm sau phát triển quá tốt thì VFF có quyền buộc AVG phải ngồi lại để thay đổi giá trị hợp đồng cho phù hợp.
Nghe qua có vẻ AVG toàn nắm phần lưỡi dao? Thật ra chuyện mua bản quyền truyền hình V-League và tất cả các môn thể thao khác ở VN trong 20 năm chỉ là một thương vụ của AVG trong buổi sơ khai. Tổng chi phí để mua bản quyền V-League cùng tất cả các môn khác chỉ vào khoảng chục tỉ đồng/năm - quá nhỏ nhoi so với tiềm lực kinh tế của AVG.
Như vậy, vấn đề còn lại mà các liên đoàn quan tâm nhất là chuyện đầu ra của AVG. Theo thông tin chúng tôi có, AVG sẵn sàng chia sẻ bản quyền V-League 2011 cho các đài với cái giá không cần lãi (thậm chí lỗ cũng chả sao!). Nhưng liệu các nhà đài có tẩy chay AVG sau phi vụ gây sốc? Một người am hiểu cho biết: AVG đủ khả năng để điều đó không xảy ra.
Cột mốc 2015
Thế thì mục tiêu chính của AVG là gì? Tổng hợp các nguồn tin từ những người am hiểu, sẽ thấy chiến lược kinh doanh của AVG nằm vào năm 2015. Đó là thời điểm mà theo lộ trình của Chính phủ, sẽ chấm dứt việc phát sóng analog tại VN. Nghĩa là khi đó chỉ có xem truyền hình qua cáp hoặc đầu thu kỹ thuật số!
Trên diễn đàn của những người yêu truyền hình kỹ thuật số, người ta đã đưa một bản tin thế này: “Ngày 27/5/2010, SES World Skies (công ty con của Tập đoàn đa quốc gia SES có trụ sở tại Mỹ và Hà Lan, vào loại hàng đầu thế giới trong việc cung cấp dịch vụ vệ tinh - NV) thông báo họ vừa ký một thỏa thuận nhiều năm với AVG - một công ty cổ phần của Tập đoàn An Viên - để cung cấp dung lượng TP (hệ thống thu nhận và phát tín hiệu trên vệ tinh, từ chuyên môn gọi là bộ phát đáp - NV) trên vệ tinh NSS-6 cho dịch vụ truyền hình vệ tinh DTH tại VN. AVG lên kế hoạch cung cấp hơn 80 kênh truyền hình tại VN”.
Nhiều chuyên gia truyền hình đã dự báo: với tiềm lực tài chính mạnh mẽ của mình, một khi AVG hoàn tất mạng lưới truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên toàn quốc (theo như giấy phép được cấp) thì khi đó những nhà đài của Nhà nước sẽ hết sức vất vả!
Sự chuẩn bị của AVG cho cột mốc 2015 không chỉ có chuyện mua bản quyền các môn thể thao ở VN, không chỉ âm thầm đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà còn thu hút chất xám của các nhà đài lớn. Có lẽ không lâu nữa, chúng ta sẽ thấy được những nhân vật nổi tiếng trong làng truyền hình lần lượt về đầu quân cho AVG.
Ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty AVG:
“Sẽ có các thông tin cần thiết vào ngày 18/12”
Bình luận về việc gần đây các báo nêu vấn đề AVG mua bản quyền các giải thể thao trong nước, ông Phạm Nhật Vũ cho biết: “Tôi không có bất kỳ trách cứ nào với các cá nhân, đơn vị khi họ bình luận việc AVG mua bản quyền, bởi đơn giản là họ chưa có những thông tin đầy đủ về chúng tôi hoặc họ chưa thật sự hiểu việc chúng tôi đang làm.
Tôi đang tiến hành việc mời thật đông đủ các báo, các cơ quan quản lý nhà nước cũng như lãnh đạo các liên đoàn, các bộ môn thể thao cùng dự buổi họp báo với chúng tôi vào ngày 18/12/2010, lúc đó chúng ta sẽ có thật đầy đủ các thông tin cần thiết. Tôi sẽ chia sẻ thật đầy đủ, trên tinh thần cởi mở và chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình trong buổi họp báo này”.
Ông Phạm Nhật Vũ . Ảnh: CTV
Khi được hỏi về thời điểm chính thức phát sóng và cung cấp dịch vụ, ông Vũ nói: “Số lượng người xem truyền hình trả tiền là một trong các nguồn thu của AVG bên cạnh các nguồn khác như quảng cáo, các dịch vụ tương tác... nên chúng tôi cần nhiều người xem chứ!
Nhưng chúng tôi tôn trọng người xem, thể hiện bằng những hành động cụ thể như: cung cấp đến người xem truyền hình chất lượng cao về âm thanh, hình ảnh rõ nét cũng như sản xuất, cung cấp cho người xem những chương trình được dàn dựng, biên tập, ghi hình... với cách làm bài bản, nghiêm túc.
Do vậy, chúng tôi chỉ đưa ra thị trường chính thức các gói dịch vụ cũng như sản phẩm của mình khi đã đạt được các điều kiện này”.
Nhắc đến nỗi lo của người xem truyền hình là khi cứ xuất hiện một nhà cung cấp dịch vụ mới, người dân sau một thoáng hồ hởi là lại bực mình vì “tất cả đều giống nhau”, ông Vũ cho biết: “AVG đang xây dựng các kênh chương trình về văn hóa, thể thao chất lượng cao. Người xem truyền hình AVG sẽ trả cho AVG một khoản phí để xem những chương trình truyền hình đặc sắc trong và ngoài nước. Đối với kênh thể thao, văn hóa, định hướng của AVG có thể sẽ đặt nằm trong một gói các chương trình cơ bản (tức là gói chương trình có tính phí thấp, thậm chí không tính phí).
Một số nội dung đặc sắc trong văn hóa, thể thao, AVG sẽ sắp xếp trong các kênh chương trình riêng có thu phí nhưng chắc chắn sẽ không phải là giá trên trời, bởi chúng tôi không thể đi ngược với lợi ích chung của toàn xã hội”.
Theo Tuổi Trẻ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 06/7/2024 thứ bảy