Chuyển đến nội dung chính

Điểm sàn Đại học 2012 tăng 0,5 điểm với khối C, D Thứ tư 08/08/2012 10:57



Ngày 08/8/12 thứ tư, tức 21/6/NT, VTH còn 139 ngày đến U 60; cụ Tư Tiến ngồi chơi cùng 6 vệ sỹ, trời mưa dầm cả đêm hôm qua sang ngày hôm nay...Nghe vietgiaitri...hay. Thao tiếp tục xuôi VNPT HN. Chia sẻ với Thọ GB 128/GĐT ngày 28/5/12 & việc Hải-Hạnh dự kến tháng 8 NT tới...
1.                             " Chẳng bao giờ xảy ra chuyện ta yêu mà người con gái không hề hay biết – ta tin rằng mình đã tỏ tình một cách rõ ràng bằng một giọng nói, một cái chạm tay - Graham Greene"
2.                             "Sự quen biết là một người ta quen vừa đủ để mượn tiền nhưng chưa đủ để ta cho mượn." Ambrose Bierce  

Điểm sàn Đại học 2012 tăng 0,5 điểm với khối C, D

Thứ tư 08/08/2012 10:57
ANTĐ - Khối A và B được giữ nguyên mức điểm sàn năm 2011, khối C và D tăng 0,5 điểm. Quy định này đã tạo điều kiện cho 218.000 thí sinh chính thức trúng tuyển nguyện vọng 1.
10h ngày 8-8 Hội đồng điểm sàn quốc gia, Bộ GD-ĐT đã đưa ra mức điểm sàn ĐH, CĐ 2012. Theo đó, khối A, A1 13,0 điểm; khối B 14,0, bằng với mức điểm sàn năm 2011. Đúng theo nhận định ban đầu, điểm sàn năm nay đã tăng đối với khối C và D. Năm 2011 khối C là 14 thì năm nay tăng thành 14,5 điểm và khối D năm trước là 13 điểm, năm nay là 13,5 điểm.

Đây là mức điểm sàn công bố dành cho thí sinh ở KV3 chưa có điểm ưu tiên. Mỗi khu vực ưu tiên kế tiếp điểm sàn giảm 0,5 điểm, đối tượng ưu tiên kế tiếp điểm sàn giảm 1 điểm. Đối với CĐ thì mức điểm sàn giảm 3 điểm so với ĐH. Cụ thể điểm sàn CĐ đối với khối A,A1-10; khối B-11; khối C-11,5 và khối D-10,5. Với mức điểm sàn đưa ra thì có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1.
Sau khi có điểm sàn, các trường ĐH, CĐ sẽ thông báo điểm chuẩn cụ thể vào trường hoặc từng ngành và gửi giấy báo nhập học với thí sinh trúng tuyển. Những thí sinh chưa trúng tuyển theo nguyện vọng 1 sẽ được nhận giấy báo kết quả thi để tiếp tục đăng ký xét tuyển vào những trường còn chỉ tiêu. Đợt tuyển sinh các nguyện vọng sau sẽ kéo dài đến 30-11-2012.
Duy Anh 

Gặp "gã khùng chơi... chim" ở Bắc Giang

08/08/2012 12:42:53
- Hầu hết những người học xong đại học đều tìm chỗ làm ổn định tại một cơ quan nhà nước, các công ty, doanh nghiệp ở thành phố còn Vũ Trọng Tạo (Việt Ngọc, Tân Yên, Bắc Giang) lại ôm vài con chim về quê nuôi trước sự ngỡ ngàng của người thân, gia đình, làng xóm...

Ước mơ... chim đẻ ra tiền

Chúng tôi đến khu trại nuôi chim bồ câu của Vũ Trọng Tạo trong cơn mưa bão dập vùi. Từ trong chuồng chim, Tạo lóp ngóp chui ra với bộ dạng ướt sũng, trên người dính bê bết phân chim. Tạo bảo: "Em "chơi với chim" quen rồi, lấm lem bê bết thế này là chuyện hàng ngày ấy mà".

Năm 2005, Tạo bắt đầu theo học Khoa Kinh tế, trường Đại học Bình Dương cùng với mơ ước được làm "ông chủ" từ hai bàn tay trắng. Năm 2009 tốt nghiệp đại học, Tạo đi làm thuê cho một công ty may ở tỉnh Bình Dương với mức lương èo uột vừa đủ nuôi thân. Chán ở Bình Dương, Tạo lang bạt về Thái Nguyên đi làm thuê. Sang đầu năm 2010, Tạo về Hà Nội kinh doanh bất động sản với mức lương hàng tháng trên 10 triệu đồng.

Tạo cho biết: "Với mức lương trên 10 triệu đồng thì chỉ đủ tiền ăn, thuê nhà và trà đá. Mình là dân kinh tế ra mà chỉ đi làm thuê với đồng lương ba cọc ba đồng thì chẳng bõ bèn gì. Mình phải làm gì đó để tiền phải đẻ ra tiền. Đó cũng là suy nghĩ đeo đẳng mình suốt từ khi đi học đại học".

Khi còn học đại học, tình cờ Tạo đến một số cơ sở nuôi chim bồ câu ở Bình Dương đi chơi. Tạo thử tính toán giúp họ chi phí chăn nuôi chim bồ câu rồi đem so sánh với một số loại vật nuôi khác như nhím, lợn rừng, gà, vịt... Thấy nghề này chăn nuôi có lãi, Tạo mua mấy cặp chim bồ câu về nhà cho ông, bà nuôi thử để lấy giống, còn tự mình lên mạng internet rao bán chim giống và tìm kiếm khách hàng.

Kể lại thời gian đầu nuôi chim bồ câu, Tạo bảo: "Cuối năm 2010, bất động sản tụt dốc thê thảm. May mắn là thời điểm đó mình đã tích cóp được 40 triệu đồng từ việc kinh doanh bất động sản. Mình dùng toàn bộ số tiền đó mua 50 đôi chim bồ câu Pháp, về lập trang trại rồi quyết định ở nhà làm ăn trước sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè, hàng xóm".

Vũ Trọng Tạo tìm thú vui bên đàn chim bồ câu của mình.
Vũ Trọng Tạo tìm thú vui bên đàn chim bồ câu của mình.

Khùng!

Đó là câu nói vui của bà Nguyễn Thị Sọn - mẹ của Tạo - về con mình khi thấy gã con đùng đùng đem chim về nhà nuôi. "Tôi với cả ông bà nội bảo nó, số tiền dành dụm được đem đi gửi ngân hàng để đó tích cóp, hàng tháng có thêm khoản lãi, đằng này nó lại đi mua chim về chăn thế mới khùng! Đó là chưa tính đến chuyện chim chết do dịch bệnh, còn thị trường đầu ra thì chưa có".

Nghe mẹ nói Tạo cười: "Mình đã tính hết cả rồi. Hồi còn lang thang ở Bình Dương, Thái Nguyên mình đã tính toán và tìm hiểu về mô hình này rất kỹ. Lúc còn làm bất động sản, mình đã tranh thủ tìm hiểu và tạo lập được một số đầu mối bán hàng khá uy tín ở khắp miền Bắc. Ngoài ra, ở khu vực Bắc Giang đã có nhiều hộ nuôi chim bồ câu, vì thế mình đã có sẵn một thị trường tạm ổn ngay tại Bắc Giang".

Nói về những ngày đầu quyết định về quê, Tạo tâm sự: "Khi mình quyết định ôm tiền về quê nuôi chim bị nhiều người kêu lắm! Nào là thanh niên lực lưỡng thế này thì phải lăn lộn thương trường chứ ai lại về quê đánh võng cuộc đời trên đôi cánh của mấy chú chim. Nhưng mà mình đã quyết thì cứ phải làm đến cùng. Chưa bao giờ mình nghĩ là sẽ thất bại trước mô hình này".

Chăm chim như chăm con.
Chăm chim như chăm con.

Bán chim "mua" vợ

Đó là một trong những câu chuyện dí dỏm mà Tạo kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu đi bán chim. Hồi mới bắt đầu nuôi chim, Tạo phải tự mang chim đi bán rong khắp trong huyện ngoài tỉnh. Một lần đi bán chim đến xã Ngọc Vân, Tạo gặp được một cô gái xinh xắn hỏi mua.

Không ngờ, cô gái ấy lại là em gái của một người bạn và cũng có đam mê nuôi chim giống Tạo. Lúc nhận ra nhau cả hai người cảm thấy ngượng ngùng và đỏ mặt. Những lần sau đó hai người thường xuyên hẹn gặp nhau trao đổi kinh nghiệm về nuôi chim bồ câu lai... Rồi cả hai bén duyên nhau từ đó.

Tạo đùa: "Nhờ đi bán chim bồ câu nên tôi mới có vợ đấy, nếu không thì giờ này vẫn còn ế, không ai thèm ngó đến ý chứ. Vợ tôi đã giúp tôi rất nhiều trong việc phát triển trang trại chim bồ câu Pháp. Cô ấy cùng chung đam mê với tôi vì thế những lúc tôi có việc đi xa phát triển thị trường, cô ấy là người tôi tin cậy nhất để chăm sóc đàn chim bồ câu".

Với việc nuôi chim bồ câu, mỗi năm Tạo thu lãi hàng trăm triệu.
Với việc nuôi chim bồ câu, mỗi năm Tạo thu lãi hàng trăm triệu.

Nuôi chim hốt bạc

Dẫn chúng tôi ra một góc trại nuôi chim bồ câu Pháp, Tạo bảo chúng tôi đứng ngoài chuồng rồi một mình lách qua khe cửa vào chuồng chim bồ câu lớn nhất. Thấy người vào lũ chim bay rào rào rồi đậu lên vai, lên đầu của chủ nhân.

Tạo cho biết, cuối năm 2010 anh bắt đầu lập nghiệp với 50 cặp. Vì chim bồ câu Pháp có khả năng kháng bệnh tốt, trọng lượng nặng gấp đôi chim bồ câu ta, chúng lại sinh sản gối đầu liên tục, vừa chăm con non vừa đẻ trứng... Vì thế, chỉ sau hơn một năm, anh đã nhân giống ra được trên 500 đôi chim bồ câu đẻ, chưa kể chim hậu bị. Với hơn 500 đôi chim đẻ, mỗi năm anh thu được số tiền trên 800 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm anh thu được 400 triệu đồng.

Để phát triển thị trường chim bồ câu của mình, trang trại của Tạo đã liên kết với Sở Nông nghiệp của nhiều tỉnh ở miền Trung và miền Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Phú Thọ, Tuyên Quang... nhận cung cấp giống chim bồ câu chất lượng cao và hỗ trợ kỹ thuật trong việc chăn nuôi chim bồ câu. Những gia đình nào mua giống chim từ trại chim bồ câu của anh cũng đều được cung cấp bộ tài liệu chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh chim bồ câu miễn phí.

Ngoài ra, bất kể hộ gia đình hay trang trại chăn nuôi nào gặp vướng mắc trong quá trình chăm sóc chim bồ câu cũng có thể gọi về số điện thoại cá nhân của anh, anh sẽ trực tiếp tư vấn và giúp đỡ miễn phí.
Vũ Trọng Tạo tính toán: Thị trường chim bồ câu sẽ tiếp tục "nóng" trong khoảng 5 năm nữa. Hiện tại lượng chim bồ câu tại các trang trại chăn nuôi bồ câu trong cả nước chưa đủ lượng chim giống để cung cấp cho thị trường. Trong trường hợp giá chim bồ câu thịt xuống thấp nhất là 50.000đ/con thì người chăn nuôi vẫn có lãi. Vì chi phí nuôi chim bồ câu cực rẻ. Nếu tính chi chí cho một cặp chim bồ câu trưởng thành bao gồm cả thức ăn và thuốc phòng chống dịch bệnh thì một ngày chưa đến 1.000đ.
Nếu giá chim thịt giảm xuống 50.000đ thì vẫn rẻ hơn thịt gà, thịt lợn, trong khi đó chi phí chăn nuôi gà lớn hơn gấp nhiều lần chim bồ câu mà giá trị dinh dưỡng của thịt gà lại không bằng chim bồ câu.
Thái Dương

Dân ngơ ngác, cảnh sát loay hoay

08-08-2012 | 14:28
(Nguoiduatin.vn) - Nghị định mới của Chính phủ quy định sẽ phạt đến 5 triệu đồng khi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại các cây xăng đã có hiệu lực mấy ngày nay nhưng dường như không ai quan tâm.
Sau 3 ngày kể từ khi Nghị định 52/2012 NĐ-CP quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng có hiệu lực nhưng theo ghi nhận của PV Người đưa tin, người dân vẫn thờ ơ, thậm chí nhiều người vẫn chưa hề biết về quy định mới này.
Tại một số cây xăng trên địa bàn các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội…, rất đông người dân bất chấp luật vẫn nghe, gọi điện thoại và nhắn tin trong lúc chờ đổ xăng. Trong khi đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn đang loay hoay về việc bắt quả tang và xử phạt người vi phạm.
Việc nghe, gọi ĐTDĐ ở gần khu vực cây xăng trong phạm vi 5 mét đều có nguy cơ tạo điện từ gây phát hỏa
Cấm cứ cấm, gọi cứ gọi!
Như đã thành thói quen, ngay cả khi vào các cây xăng nhiều người dân vẫn dùng ĐTDĐ một cách thường xuyên, liên tục, bất chấp lệnh cấm và các quy định về xử phạt đã được áp dụng. Trước đây, hành vi sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng chỉ bị xử phạt từ 200.000 - 500.000 đồng. Nhưng hiện nay, Nghị định 52 đã nâng mức phạt lên gấp 10 lần. Theo đó, từ ngày 5/8/2012, người sử dụng ĐTDĐ ở các cây xăng sẽ bị xử phạt đến 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau những ngày đầu quy định này có hiệu lực, người dân vẫn tỏ ra ngơ ngác trước thông tin này. Theo ghi nhận của PV Người đưa tin, một số cây xăng trên địa bàn TP.Hà Nội đã có dán biển "Cấm sử dụng ĐTDĐ" để nhắc nhở người dân. Thế nhưng, hầu hết các cây xăng lại không dán quy định xử phạt việc sử dụng ĐTDĐ. Do thế, nhiều người dân không nắm bắt được thông tin, thậm chí có người sửng sốt khi biết quy định sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng sẽ bị phạt đến 5 triệu đồng.
Chị Lê Thị Trang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng từng nghe chuyện nghe điện thoại ở cây xăng sẽ bị phạt tiền. Thế nhưng, từ trước đến giờ có ai phạt đâu. Hơn nữa, tôi không có thói quen nghe ĐTDĐ khi chạy xe trên đường, nên những lúc dừng xe vào đổ xăng hay lúc uống nước mình thường tranh thủ xem tin nhắn và gọi điện. Thỉnh thoảng, tôi thấy các anh chị nhân viên bán xăng vẫn nhắc nhở mọi người việc dùng điện thoại. Còn việc phạt tiền, tôi chưa thấy ai nghe điện thoại xong bị "túm cổ" vào phạt bao giờ".
Anh Hà Văn Vĩnh, khách hàng vào đổ xăng tại cây xăng trên đường Lý Thái Tổ (Q.10, TP.HCM) cho biết: "Việc cấm sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng là chuyện nên làm nhưng vấn đề xử phạt sẽ rất khó khăn, vì không phải lúc nào cũng có cảnh sát PCCC hay dân phòng túc trực để xử phạt vi phạm". Khảo sát nhiều cây xăng trên địa bàn TP.HCM, hầu như ở bất kỳ cây xăng nào cũng có người vi phạm, nhiều cây xăng có cả nhân viên bán xăng cũng hồn nhiên sử dụng ĐTDĐ lúc thưa khách".
Anh Hùng, nhân viên bán hàng ở cây xăng đường Xuân Thủy (Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi khi thấy ai vào đổ xăng mà sử dụng điện thoại, chúng tôi vẫn nhắc nhở. Còn việc giám sát, rồi bắt quả tang để gọi lực lượng PCCC tới xử phạt thì e rằng quá khó. Chủ yếu dựa vào ý thức chấp hành của mỗi người thôi. Chẳng lẽ lại đi "rình" người sử dụng ĐTDĐ để gọi lực lượng PCCC hay công an đến lập biên bản phạt".
Từ thực tế hiện trạng những quy định cấm được ban hành nhưng không đi vào thực hiện, anh Hoài Phương, một người dân nhận định: "Thực ra, phóng uế, hút thuốc lá nơi công cộng, ném vỏ chai nước từ cửa xe hay cởi trần lái xe... đều bị phạt nhưng bấy lâu nay có thấy ai đả động gì đâu. Quy định của pháp luật nhiều đến mức người dân đụng đâu cũng có thể bị phạt nhưng rồi không thấy ai làm gì, người ta tiếp tục xả rác ngoài đường, hút thuốc lá trong bệnh viện. Tôi nghĩ chắc nghe điện thoại tại cây xăng cũng thế, lúc đầu có thể người dân sợ phạt nên chấp hành nhưng sau đó mọi chuyện lại đâu vào đấy".
Trao đổi với PV Người đưa tin, thượng tá Đinh Văn Ngàn - trưởng phòng tham mưu Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết: Việc đưa vào áp dụng nghị định mới này là cần thiết và có tính răn đe để ngăn ngừa cháy nổ do ĐTDĐ gây ra, khi thiết bị này đã phổ biến trong tất cả người dân. Nghị định trên không chỉ cấm sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng mà cấm cả ở các khu vực như: Kho dầu mỏ, trạm chiết nạp, cửa hàng kinh doanh các loại khí dầu mỏ, kho chứa hóa chất dễ cháy nổ, dễ bay hơi... Ngoài ĐTDĐ, máy nhắn tin, máy ảnh, camera, thu phát sóng cũng bị cấm sử dụng tại các khu vực có nguy cơ cháy nổ kể trên.

Quy định chặt, xử phạt lỏng
Qua 3 ngày thực hiện Nghị định 52 của Chính phủ về cấm sử dụng thiết bị phát sóng ở trạm xăng dầu, nhiều người dân vẫn vô tư sử dụng và biện pháp ngăn chặn chủ yếu vẫn là nhắc nhở. Theo tìm hiểu của PV Người đưa tin, vẫn chưa có trường hợp nào bị lập biên bản xử phạt vì sử dụng ĐTDĐ ở cây xăng.
Tại trạm xăng của Petrolimex trên đường Trần Cao Vân (Quận 1, TP.HCM), anh Hà Quang Tài - nhân viên bán xăng, cho biết: "Nhiều người vẫn sử dụng ĐTDĐ khi vào đổ xăng. Gặp những trường hợp vi phạm, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở mọi người chứ không có thẩm quyền xử phạt". Còn anh Võ Viết Dũng - nhân viên bán hàng tại cây xăng Comeco trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM) cho hay: "Hiện, cây xăng vẫn chưa kịp treo biển cảnh báo khi Nghị định 52 có hiệu lực nên nhiều người vẫn sử dụng ĐTDĐ khi đang đứng chờ mua hàng. Vẫn chưa thể xử phạt ngay được, do lực lượng dân phòng, đội PCCC của phường không có mặt tại hiện trường".
Cũng theo anh Dũng, không phải ai cũng có ý thức chấp hành quy định mới về an toàn cháy nổ tại cây xăng. Đã xảy ra trường hợp khách hàng sừng sổ mắng lại nhân viên vì đã nhắc nhở họ chấp hành quy định mới. Vấn đề được đặt ra là làm sao có thể làm cho mọi người dân tự giác chấp hành. Quan trọng hơn cả là phải đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu để không vi phạm. 
Theo Nghị định 52, thẩm quyền xử phạt các hành vi gây ra nguy cơ cháy nổ không chỉ có cảnh sát PCCC mà các lực lượng khác của công an nhân dân cùng lãnh đạo các cấp chính quyền đều có quyền xử phạt. Như vậy, nhân viên cây xăng hoặc người đổ xăng cũng có trách nhiệm ngăn chặn và báo cáo cho cơ quan chức năng về hành vi nghe điện thoại ở cây xăng. Do đó, kể cả khi người có thẩm quyền xử phạt không có mặt thì hành vi này cũng có thể được ngăn chặn và báo cáo.
Điều 5 Nghị định 52 quy định: Các cơ sở phải bố trí, niêm yết tiêu lệnh, biển báo, biển cấm, biển chỉ dẫn về PCCC theo quy định. Nếu người có trách nhiệm không phổ biến nội quy, quy định về PCCC cho những người trong phạm vi quản lý của mình cũng sẽ bị xử phạt.
Nhiều người dân vẫn sử dụng ĐTDĐ ở các cây xăng mà không hề bị xử phạt. Ảnh chụp 7/8 tại cây xăng Lai Thành (TP. Thanh Hóa)
Đại diện Công ty Xăng dầu khu vực 1 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 70 cây xăng do công ty quản lý với lượng xăng dầu bán ra thị trường trung bình trên 1.000 m3/ngày. Chính vì vậy, Nghị định 52 có hiệu lực sẽ có ý nghĩa nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC của khách hàng khi đến cây xăng, đặc biệt là việc sử dụng ĐTDĐ.
Về thẩm quyền xử phạt, ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch UBND P.Cầu Kho (quận 1, TP.HCM) cho rằng, lực lượng có thẩm quyền tại phường, xã khó kiểm soát và xử phạt triệt để những hành vi gây nguy cơ cháy nổ. Theo ông Thịnh, đây là hành vi quả tang, phải phát hiện tức thời. Nếu chủ tịch phường có mặt phát hiện xử phạt thì theo quy định cũng phải có lực lượng khác lập biên bản. Phường không thể đủ nhân lực để phát hiện và xử phạt.
Theo ý kiến của các chuyên gia pháp lý, với pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện nay, chủ tịch UBND cấp phường được phạt tiền đến 2 triệu đồng, chủ tịch UBND cấp quận được phạt tiền đến 30 triệu đồng... Nếu phát hiện vi phạm xảy ra trên địa bàn phường, lực lượng chức năng của phường tiến hành lập biên bản. Nếu hành vi vi phạm mức phạt trên 2 triệu đồng thì UBND phường trình lên quận.
Theo logic đó, với hành vi nghe gọi điện thoại tại cây xăng, người dân xung quanh, nhân viên cây xăng có thể cấp báo với UBND phường đến lập biên bản. Do mức phạt của hành vi này trên 2 triệu đồng nên phường sẽ chuyển biên bản lên quận hoặc những người có thẩm quyền khác để họ ra quyết định xử phạt.
Ngoài ra, các lực lượng khác như cảnh sát PCCC, công an nếu phát hiện cũng có thể lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt. Với trình tự này, quy định trên khó khả thi do việc nghe, gọi điện thoại diễn ra rất nhanh, có khi chỉ chưa đầy một phút, nên lực lượng chức năng khó có mặt kịp tại hiện trường.
Một chiến sỹ công an quận 9, TP.HCM cho biết: "Lực lượng công an lo ổn định trật tự xã hội còn không đủ người, việc xử lý nghe điện thoại ở cây xăng rất khó thực thi. Mỗi cây xăng bố trí một cảnh sát thì không ổn chút nào. Tôi nghĩ nên tuyên truyền để người dân tự ý thức thì hiệu quả hơn".
 Nguy cơ cháy cao do sử dụng điện thoại di động
Trả lời câu hỏi sóng điện thoại ảnh hưởng như thế nào đến môi trường cây xăng, ông Vương Thái Dũng, phó tổng giám đốc Tập đoàn Petrolimex, cũng là một chuyên gia về an toàn cháy nổ xăng dầu cho biết: Khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi, sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may, xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu đủ lớn để phát hỏa thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy. Nhiều điện thoại không đảm bảo an toàn về mạch và pin cũng gây ảnh hưởng. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn gây cháy.
Cao Tuân - Công Thư
Cấm xe máy cũ: Khó khả thi
TP - Xung quanh chủ trương của UBND TPHCM giao Công an thành phố xây dựng “quy chế tối thiểu cho lưu hành và niên hạn lưu hành xe môtô hai, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe điện)”, tiến tới cấm lưu hành xe cũ, nhiều chuyên gia cho rằng không khả thi, chưa hợp tình, hợp lý.
Hàng triệu xe máy cũ ở TPHCM có nguy cơ bị cấm lưu hành dù chất lượng nhiều chiếc còn rất tốt Ảnh: LT
Hàng triệu xe máy cũ ở TPHCM có nguy cơ bị cấm lưu hành dù chất lượng nhiều chiếc còn rất tốt.  Ảnh: LT.
Chất lượng không phụ thuộc vào niên hạn sử dụng
Theo Thượng tá Trần Thanh Trà, phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (PC67), xe tải, xe khách …đã có quy định về niên hạn sử dụng, đã đến lúc tính đến niên hạn của xe máy.
Trao đổi với Tiền Phong vào ngày 7-8, ông Đặng Văn Khoa, ủy viên Ủy ban MTTQ TPHCM khẳng định: Tăng cường quản lý chất lượng, cấm lưu hành các phương tiện giao thông không an toàn là phù hợp. Những loại xe “mù”, không đảm bảo kỹ thuật thì cần cấm lưu hành để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, căn cứ niên hạn sử dụng để cấm là không có cơ sở khoa học.
Ông Khoa dẫn chứng: Có những xe máy mới lưu hành 3-5 năm nhưng không còn đảm bảo chất lượng, an toàn. Ngược lại, những xe đã 15 -20 năm, thậm chí có xe có từ trước 30-4-1975 như Honda Dame, Honda 67 nhưng ít chạy và được bảo dưỡng tốt thì vẫn đảm bảo chất lượng.
“Trên thế giới không ai cấm lưu hành xe cổ nếu đảm bảo các thông số kỹ thuật. Vấn đề quan trọng là xe có đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông hay không chứ không phải là niên hạn sử dụng” - ông Khoa nói.
Theo PGS TS Nguyễn Lê Ninh, một chiếc xe xài bền hay không là tùy từng người sử dụng. Nếu cứ vơ đũa cả nắm, thống nhất quy định chung về niên hạn để tính tuổi thọ của xe thì chưa phù hợp với điều kiện xã hội, mục đích sử dụng xe, thu nhập và đời sống của người dân, có nguy cơ gây lãng phí. “Vấn đề quan trọng cần làm ngay là kiểm định chất lượng. Chưa kiểm định chất lượng, không có căn cứ để cấm” - ông Ninh nói.
Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng vấn đề quan trọng nhất là kiểm tra khí thải xe máy có gây ô nhiễm hay không. Xe máy lưu thông trên đường cần được kiểm tra khí thải, nếu đạt tiêu chuẩn thì cần cho phép lưu thông, bất kể xe cũ, mới...
Nếu cấm xe máy cũ để kéo giảm TNGT thì không thuyết phục, không thực tế. Vừa qua, nguyên nhân gây TNGT chủ yếu là do ý thức của người điều khiển chứ không phải chất lượng phương tiện. Thay vì cấm xe, TPHCM nên tập trung vào các biện pháp chế tài, xử phạt”.
Ông Lâm Thiếu Quân, đại biểu HĐND TPHCM
Theo đại biểu HĐND TPHCM Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong, khi đề xuất cần phải dựa trên kết quả nghiên cứu nào đó, chẳng hạn xe máy chạy bao nhiêu năm thì không còn đảm bảo chất lượng. Từ trước đến nay nhà nước vẫn buông lỏng vấn đề kiểm tra chất lượng của xe gắn máy.
Cần thấu tình, đạt lý
Lo lắng, hoang mang là tâm trạng của nhiều người dân nghèo. Nhiều người bộc bạch: Không ai không muốn mình có xe mới nhưng với người thu nhập thấp, có tiền đổi xe là một vấn đề nan giải bởi còn gánh nặng mưu sinh. Nếu phải cấm thì cần có các giải pháp hỗ trợ và lộ trình cụ thể.
Ông Nguyễn Văn Hải, lái xe ôm tại hẻm 476 Lê Văn Sỹ (quận 3) nói: Trước kia tui chạy xe ba gác bỏ hàng ở chợ Ông Tạ (quận Tân Bình). Từ khi thành phố cấm lưu hành xe 3-4 bánh thô sơ, được địa phương hỗ trợ 5 triệu đồng, hai vợ chồng tui gom góp, vay mượn họ hàng để mua chiếc xe máy cũ chạy xe ôm. Cuộc sống dần ổn định trở lại. Nếu thành phố tiếp tục cấm xe máy cũ thì gia đình tui biết trông cậy vào đâu.
Ông Đặng Văn Khoa trăn trở: Khi giao thông công cộng chưa phát triển, xe máy là con ngựa sắt tất yếu cần phải có trong cuộc sống thường nhật của người dân.
Cấm xe máy cũ là vấn đề xã hội quá lớn, quá nhạy cảm và phức tạp trong cuộc sống người dân và đất nước, phải tính toán, cân nhắc thật kỹ. Cấm vào lúc này là chưa hợp tình, hợp lý và chưa thuyết phục cả về mặt lý luận lẫn kỹ thuật.
“UBND TPHCM không nên đơn phương đưa ra và quyết việc này. Cần phải thăm dò dư luận, trưng cầu ý kiến người dân, lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ và HĐND TPHCM, không nên đi tắt. Chủ trương này liên quan trực tiếp đến số phận của hàng triệu người dân mà chủ yếu là người nghèo, thu nhập thấp” – ông Khoa thẳng thắn.
Huy Thịnh

Mù mắt, sảy thai vì nuôi thú cưng

- Nuôi thú cưng như các loại chó, mèo đang trở thành mốt nhưng ít ai nghĩ rằng từ những con vật đáng yêu đó có thể lây những loại ký sinh trùng nguy hiểm khiến trẻ em mù mắt, phụ nữ sảy thai…

Nhiều trẻ em mù vì nhiễm giun đũa chó

Trường hợp của bệnh nhi Trần Văn Việt, 8 tuổi, ngụ tại quận 5, TP.HCM là một nạn nhân của ký sinh trùng từ thú cưng.

Cha mẹ Việt gần như “đứng tim” vì sợ bởi hai mắt con trai bỗng dưng không nhìn thấy gì. Hóa ra cậu bé bị hậu quả do nhiễm giun đũa chó từ con chó cảnh nuôi trong nhà.

 Ảnh: Giun đũa chó trên tay người

Mắt Việt bị mờ dần rồi mới chuyển qua giai đoạn mù hẳn nhưng do còn nhỏ, chưa ý thức được về sức khỏe nên lúc không nhìn được nữa Việt mới nói với cha mẹ.

Trong suốt thời gian nghiên cứu về ký sinh trùng, Tiến sĩ – bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM từng gặp một số bệnh nhân là trẻ em bị mù mắt do giun đũa chó như thế.

“Trước đây có những báo cáo về ca bệnh trẻ em mù mắt do nhiễm giun đũa chó từ Bệnh viện Mắt TP.HCM. Các bệnh nhân là trẻ em ở độ tuổi từ 15 tuổi trở xuống, nhà có nuôi chó. Khi mắt mờ, do còn nhỏ, chưa có ý thức nên các em không than phiền, chỉ khi chẳng thấy đường nữa mới nói với cha mẹ. Lúc này mắt bệnh nhi đã mù hẳn”, bác sĩ Siêu nói

Nguyên nhân gây mù mắt của những bệnh nhi nói trên do nang ấu trùng Toxocara canis - giun đũa chó, trứng hiện diện trong phân chó, dính trên lông. Khi được vuốt ve, trứng giun theo lông chó bám vào tay người, qua đường ăn uống xuyên qua thành ruột, vào máu và đi khắp cơ thể.

Loại giun đũa chó này có thể tạo kén ở não, ở gan và các cơ quan nội tạng.

Đối với trẻ em khi nhiễm, giun đi vào sau võng mạc làm nạn nhân mù từ từ.

Sảy thai vì mèo cưng

Chị Hoàng Thị Hải, 32 tuổi, ngụ tại quận 4 là người phải hứng hậu quả vô cùng đau lòng từ ký sinh trùng của thú cưng.

Chị Hải rất thích mèo, nuôi một lúc 3 con mèo đủ các giống rất đẹp. Đối với chị, mèo không chỉ có nhiệm vụ đuổi chuột mà còn như người bạn thân.

Mèo nhà chị Thủy được phép leo cả lên giường, ghế sofa, nằm, ngồi chung với chủ. Mọi chuyện rất êm đềm cho tới khi chị Hải mang thai con đầu lòng.

Không chỉ vợ chồng chị mà cả hai bên nội ngoại rất vui mừng, háo hức chờ đón thành viên nhí. Nhưng khi cái thai vừa tròn 12 tuần đã bị sảy mất.

Chị Hải chưa hết đau lòng vì mất mát quá lớn lại thêm “sốc” vì nguyên nhân sảy thai của mình do mấy chú mèo cưng. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị nhiễm Toxoplasma gondii - một loại trùng bào tử sống ở ruột mèo.

Ký sinh trùng này không chỉ làm sảy thai ở phụ nữ có thai mà ở người suy giảm miễn dịch mắc phải, thường gặp là bệnh nhân HIV/AIDS, chúng còn có thể tạo nang, kén trong cơ quan nội tạng người, xâm nhập lên não làm nạn nhân tử vong vì viêm não, đây là tác nhân gây viêm não khá phổ biến trên bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải .

“Tại các bệnh viện phụ sản, phụ nữ trước khi có thai cũng được làm xét nghiệm tầm soát Toxoplasma gondii để tránh gây sảy và dị tật thai nhi”, bác sĩ Siêu cho biết.

Tuy nhiên, ở một số người khi nhiễm không có biểu hiện lâm sàng, chỉ khi cơ thể suy giảm miễn dịch, các mầm bệnh mới tăng sinh và xâm lấn các cơ quan khác.

Từ đó, bác sĩ Siêu cảnh báo người dân nên có chỗ riêng để nhốt thú cưng. Sau khi vuốt ve, nựng chó, mèo phải rửa tay sạch bằng xà phòng, tránh để trứng giun ký sinh từ con vật xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống.

Riêng với phụ nữ chuẩn bị có thai, đang có thai không nên nuôi chó mèo, trước khi có thai nên đi bệnh viện làm xét nghiệm tầm soát ký sinh trùng, nếu nhiễm phải chữa dứt mới được mang bầu.

Thanh Huyền

Xây cảng tỷ đô: Cẩn thận kẻo con cháu phải è cổ trả nợ

(VTC News) – Chuyên gia kỳ cựu về thủy lợi nói cần hết sức thận trọng với phương án xây cảng Lạch Huyện bởi nếu vốn vay, dù là ưu đãi, sử dụng không hiệu quả, con cháu sẽ phải kéo cày trả nợ.

>> XEM TOÀN BỘ CHUYÊN ĐỀ: CẢNG LẠCH HUYỆN VÀ NHỮNG BÀI HỌC CẢNH TỈNH

Tiến sĩ Tô Văn Trường - Ban chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp nhà nước KC08/11-15 Bộ Khoa học & Công nghệ vừa trao đổi với phóng viên VTC News xung quanh việc xây dựng cảng biển Lạch Huyện (Hải Phòng).

Xây cảng tỷ đô: Cẩn thận kẻo con cháu phải è cổ trả nợ
Tiến sỹ Tô Văn Trường. Ảnh: TTO 

- Một số nhà khoa học và chuyên gia khi xem xét phương án xây dựng của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng vị trí địa hình xây dựng cảng Lạch Huyện không hợp lý đối với cảng nước sâu khi khối lượng nạo vét quá lớn, chi phí thực hiện sẽ rất cao. Ông nghĩ sao về ý kiến này?


Phía Bắc cần 1 cảng nước sâu để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, lựa chọn vị trí nào để xây dựng lại là vấn đề cần suy nghĩ cẩn trọng.




Xin lưu ý là cảng Cái Lân cũng do tư vấn JICA và nhà thầu là Công ty Nippon Koei thực hiện, sau đó thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư có liên quan đến nhà thầu này

 
Chúng ta đã có bài học cảng nước sâu Cái Lân.
Lúc đề xuất dự án này cũng đã có rất nhiều ý kiến phản đối, chủ yếu do vị trí quá gần di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long (UNESCO cũng có ý kiến quan ngại).

Lãnh đạo thì kiên quyết bảo lưu ý kiến phải xây dựng cảng Cái Lân nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của miền Bắc, hỗ trợ thậm chí thay thế phần lớn phần việc của cảng Hải Phòng.


Ý chí này vẫn "kiên định" kể cả khi phát hiện đá tảng tại vùng nước sâu âm 8m trước bến cảng (phải tốn kém rất nhiều để tiến hành phá nổ khoảng 160.000 m3 đá ngầm để tạo đủ độ sâu cho vũng quay trở tầu dự kiến). 

Kết quả là cảng Cái Lân không hoạt động hiệu quả như kỳ vọng, trong đó có việc luồng ngoài vào cảng chỉ đáp ứng tàu 15.000 tấn, trong khi bến tàu có khả năng đáp ứng cho tàu 40.000 tấn!      

Câu hỏi đặt ra tại sao vị trí cảng Cái Lân hóa ra là không phù hợp và tại sao vị trí cảng Lạch Huyện lại phù hợp hoặc không phù hợp với cảng nước sâu là các câu hỏi không thể trả lời ngay, nếu chỉ dựa trên thông tin, số liệu do chủ đầu tư cung cấp. 

Xin lưu ý là cảng Cái Lân cũng do tư vấn JICA và nhà thầu là Công ty Nippon Koei thực hiện, sau đó thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm của chủ đầu tư có liên quan đến nhà thầu này!

- Ngoài ra, cảng vẫn phải được nạo vét định kỳ, vì vậy chi phí duy tu hàng năm sẽ tăng lên rất cao? Theo ông, với phương án này của Bộ GTVT, chi phí dự kiến hàng năm sẽ là bao nhiêu? Số tiền này liệu có bù đắp được so với khoản lợi nhuận thu được từ việc khai thác hàng năm không?

Xây cảng tỷ đô: Cẩn thận kẻo con cháu phải è cổ trả nợ
Cảng Lạch Huyện nhìn từ trên cao 
Đúng là hàng năm vẫn phải nạo vét duy tu định kỳ tốn kém. Ở phía Bắc tiền nộp thuế, dịch vụ hàng hải không đủ kinh phí nạo vét tuyến luồng cho nên nhà nước vẫn phải  bao cấp kinh phí nạo vét.

Theo tôi biết, tuyến luồng hàng hải (Hải Phòng mới) đi qua kênh Hà Nam. Luồng Lạch Huyện sử dụng đầu năm 2006 trong dự án cải tạo nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn II thực hiện vốn ODA của Nhật Bản hàng năm được nạo vét duy tu đến chuẩn tắc ban đầu 7,2m/7m.

Năm nay, theo kế hoạch phải nạo vét đoạn đầu thượng lưu kênh Hà Nam khối lượng 105.255 m3, kinh phí 12,1 tỷ đồng. Nạo vét hạ lưu kênh Hà Nam khối lượng 608.745 m3 kinh phí 100 tỷ đồng. Thi công nạo vét đoạn Lạch Huyện 547.941 m3 kinh phí 52 tỷ đồng.


Đoạn luồng Bạch Đằng và 2 đầu kênh Hà Nam bồi lấp mạnh, khối lượng bàn giao mặt bằng tăng lên 35%. Nếu mở rộng cảng Lạch Huyện cho tầu 100.000 tấn theo phương án của Bộ Giao thông Vận tải thì việc nạo vét, duy tu hàng năm sẽ còn tăng lên rất nhiều.


- Theo ông, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, việc đầu tư một số tiền lớn như vậy (1 tỷ USD) có thực sự hợp lý không?


Số tiền nói trên chỉ là uớc tính ban đầu, khi thực thi do nhiều nguyên nhân, nó sẽ còn tăng lên rất nhiều. Trong hoàn cảnh đất nước nợ công, nợ xấu đều vượt ngưỡng an toàn cho nên phải cân nhắc tính toán thận trọng cả về bài toán kinh tế và bảo vệ môi trường vì suy cho cùng tiền ngân sách cũng là tiền thuế của dân.
Tiền đi vay dù có ưu đãi, nếu sử dụng không hiệu quả thì con cháu chúng ta cũng phải “kéo cày” để trả nợ!


Vấn đề chi phí - lợi ích của dự án cảng Lạch Huyện cũng như các dự án khác chỉ có thể bàn luận khi chỉ tính đến giá trị kinh tế (kể cả giá trị kinh tế môi trường). Bài học nhãn tiền là những tranh luận về lợi ích kinh tế của dự án bauxite, dự án điện hạt nhân và rõ nhất là lọc dầu Dung Quất, mọi cảnh báo khi thẩm định dự án này đã trở thành sự thật.




Tiền đi vay dù có ưu đãi, nếu sử dụng không hiệu quả thì con cháu chúng ta cũng phải “kéo cày” để trả nợ!

 
Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2011 lỗ hơn 3.000 tỷ đồng và chưa biết đến bao giờ mới ngừng lỗ. Người ta đã được phép lập dự án "mở rộng công suất" để biến nhà máy hiện nay thành "quá khứ" và thế là hòa cả làng!. 


- Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam hiện nay số lượng tàu lớn không nhiều, việc xây dựng cảng này liệu có quá lãng phí?

Tình hình chung của thế giới, các cảng nước sâu đều gặp khó khăn vì giá thành vận chuyển giảm sút, làm ăn thua lỗ. 

Bộ Giao thông Vận tải và các ngành liên quan có trách nhiệm phải rà soát lại công tác quy hoạch, công tác dự báo để có sự điều chỉnh thích hợp với tình hình chung của thế giới và hoàn cảnh thực tế của Việt Nam nhằm đưa ra lộ trình xây dựng cảng với quy mô thích hợp trước mắt cũng như lâu dài.


- Vinalines là một đơn vị đang bị "tai tiếng" vì làm ăn kém hiệu quả, liệu giao dự án lớn như vậy cho đơn vị này có hợp lý không?


Theo tôi hiểu, không phải chỉ có Vinalines mà nhiều đối tác của Việt Nam khi tham gia liên doanh, năng lực đều hạn chế so với yêu cầu. Đối với dự án cảng Lạch Huyện, Vinalines phải đóng góp 51% vốn, còn Monlykit của Nhật Bản 49%.

Trong số 51% vốn đóng góp của Vinalines gồm 2 khoản tiền mặt và tiền quy ra từ đất. Trước tháng 12/2012, Vinalines phải có giấy quyền sử dụng đất bàn giao cho liên doanh Việt Nhật. Khoản tiền mặt thì gay go chưa biết vay lấy ở đâu hay là Chính phủ lại phải bảo lãnh?

- Một công ty tư nhân đề xuất phương án mới: thay đổi vị trí xây cảng hiện tại ra xa bờ, được nhiều nhà khoa học quan tâm. Ông đánh giá thế nào về phương án này?
Công ty Sơn Trường đề nghị nghiên cứu làm kè và lập một bãi chữ nhật có kích thước chiều rộng khoảng 800m, chiều dài tính từ mép đê Cát Hải chạy dọc luồng lạch Huyện khoảng 15 km. Tại đây có cao độ -12 đến -13m có thể đón nhận tầu cỡ 100.000 DWT, hầu như rất ít phải nạo vét. Kè sát luồng kiên cố đủ để sau này làm cầu cảng thì không phải làm kè lại.


Mặt kè còn lại áp dụng phương pháp mới nhất của thế giới là dùng bao cát có khối lượng đủ lớn (vỏ bao chuyên dụng) sau đó mới đặt các tấm bê tông chắn sóng áp vào mặt ngoài.



Sau đê chắn sóng là đường giao thông chạy dọc từ Cát Hải cho hết tuyến 15 km, chiều rộng mặt đuờng là 44m đủ cho 10 làn xe chạy. Sau khi lập đuợc kè, bãi và đường giao thông sẽ quy hoạch sắp xếp theo thứ tự cầu cảng cho tàu 100.000 DWT đặt ngoài cùng vì loại tàu to từ 50.000 đến 100.000 DWT rất ít nên chỉ đặt từ 1-2 cầu cảng.

Từ trong sát bờ đặt các cầu cho tầu có trọng tải nhỏ và hướng ra xa dần là các cầu tàu có trọng tải lớn dần. Cách làm này thể hiện 3 tiêu chí khối lượng nạo vét ban đầu và duy tu hàng năm ít nhất, tiến độ nhanh nhất và giá thành rẻ nhất. Theo tính toán của Sơn Trường số tiền 18.627 tỷ đồng của nhà nước bằng vốn ODA còn thừa để làm 2.000 ha khu công nghiệp sau cảng.


Ngoài ra, nhà nước còn thu thêm một khoản tiền đúng bằng vốn vay cùng với số vốn gốc vay ODA thu từ các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng cảng và khu công nghiệp vv... 


>> XEM TOÀN BỘ CHUYÊN ĐỀ: CẢNG LẠCH HUYỆN VÀ NHỮNG BÀI HỌC CẢNH TỈNH

Đề xuất của Sơn Trường mới ở dạng ý tưởng nhưng rất đáng xem xét, nghiên cứu để có thể là đối chứng so sánh với phương án của Bộ Giao thông vận tải.


Ông đánh giá thế nào về đề xuất của nhiều chuyên gia là nên tạm dừng dự án?


Tôi hiểu và chia sẻ với quan điểm nói trên bởi vì các nhà khoa học phải có nghiên cứu đánh giá bài bản, khoa học tránh lý thuyết suông, kiểu "thày bói sờ voi", để bác bỏ hoặc ủng hộ một dự án “nhạy cảm”!




Dự án cảng Lạch Huyện chắc chắn có tác động rất lớn đến môi trường vì đây là khu vực nhạy cảm (khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long), lại có đặc điểm khí tượng thủy văn phức tạp.
 
Cần phải xem xét kỹ lưỡng các bài học quá khứ, kết hợp với áp dụng các mô hình thủy động lực học trên cơ sở dữ liệu tin cậy thì mới có thể có câu trả lời tương đối chính xác về dự án của Vinalines và đề xuất của Sơn Trường.

Vì vậy, tạm dừng dự án cảng Lạch Huyện là giải pháp hợp lý trong thời điểm hiện nay.


- Ngoài tác động kinh tế, việc xây dựng cảng biển này theo ông có tác động như thế nào tới môi trường? Chi phí giải quyết vấn đề môi trường liệu có tính toán được không và ảnh hưởng đến các hoạt khác ở khu vực đó như thế nào?


Dự án cảng Lạch Huyện chắc chắn có tác động rất lớn đến môi trường vì đây là khu vực nhạy cảm (khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long), lại có đặc điểm khí tượng thủy văn phức tạp.


Các công trình nhân tạo trong vài chục năm gần đây ở khu vực này dù cũng đã "tính toán khoa học" đều thất bại do không phù hợp với cân bằng tự nhiên, do đó tất yếu dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến môi trường và cảnh quan.

Đáng tiếc là cho đến nay việc lượng giá tổn thất môi trường vẫn chưa được thực hiện phổ biến ở Việt Nam và thậm chí ở thế giới lượng giá môi trường vẫn là bài toán nan giải, các kết quả đưa ra chỉ có tính tham khảo vì sai số lớn.
Châu Anh (thực hiện)

Từ 3/9, chỉ được bán thịt động vật trong vòng 8 giờ

Đăng ngày Thứ tư 08/08/2012 13:27
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần, thời gian tới, các sản phẩm thịt và phụ phẩm (toàn bộ đầu, đuôi, chân, da, mỡ và phủ tạng ăn được của động vật) bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ.


Để hạn chế tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức báo động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT quy định điều kiện vệ sinh, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống dùng làm thực phẩm.

Thông tư yêu cầu, thịt và phụ được bày bán phải có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem kiểm tra vệ sinh thú y và có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y theo quy định, không được dùng hóa chất để bảo quản thịt và phụ phẩm tươi sống.

Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ. Đối với trường hợp được bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C thì chỉ được bày bán trong vòng 72 giờ từ khi giết mổ.

Đối với phụ phẩm là dạ dày, ruột non và ruột già bảo quản ở nhiệt độ từ 0-5 độ C chỉ được bày bán trong vòng 24 giờ kể từ khi giết mổ.

Theo thông tư, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thịt và phụ phẩm phải được sản xuất từ vật liệu an toàn, không thôi nhiễm các chất độc hại, mùi vị lạ, bảo đảm chất lượng của thịt và phụ phẩm trong thời hạn sử dụng, phải đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Đối với chủ, người làm việc tại cơ sở kinh doanh thịt, phụ phẩm phải có giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và giấy xác nhận đủ sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp.

Những người mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da không được pha lọc, bán hàng và bốc dỡ thịt và phụ phẩm.

Thông tư này áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh thịt và phụ phẩm ăn được của động vật ở dạng tươi sống có đăng ký kinh doanh và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 3/9/2012.

Trong tháng 7, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm làm 531 người bị ngộ độc, trong đó 2 trường hợp tử vong.

Tính chung bảy tháng đầu năm, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 74 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 2.400 người bị ngộ độc, trong đó 16 trường hợp tử vong.

Theo Vietnam+

 
 

 




Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 19 tháng 9 năm 2024, thứ năm