Cụ bà Trần Thị Nguyệt "bật mí", chỉ với món cá được bắt lên từ phá Tam Giang, và cách ăn đủ bữa đã giúp cho cụ trường thọ đến 120 tuổi...
Rời thành phố Huế, chúng tôi xuôi theo hướng biển Thuận An tìm gặp một “kỳ nhân” đặc biệt khi dân chúng xôn xao về bí quyết trường thọ của cụ sống ở bên kia phá Tam Giang, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Vừa bước vào ngõ, chúng tôi bất ngờ khi tận mắt chứng kiến cảnh cụ bà Trần Thị Nguyệt ngon lành thưởng thức món cá móm, cá đối bắt từ phá Tam Giang trong buổi trưa nắng nóng cuối tháng 7. Người thân của cụ cho biết, cũng như bao buổi trưa khác, cụ Nguyệt sau khi ăn trọn 2 bát cơm cá, lại tráng miệng bằng một bát đậu hũ. Theo cụ Nguyệt, món đậu hũ có tác dụng bổ, mát có lợi lúc trời hè.
|
Cụ Nguyệt ngon lành ăn đậu hũ |
Theo giấy CMTND thì cụ Trần Thị Nguyệt sinh năm 1890 tại xã Phú An, huyện Hương Phủ, tỉnh Bình - Trị - Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Trải qua bao khó khăn trong cuộc sống, cụ Nguyệt nay vẫn còn rất tỉnh táo để nhận biết mọi việc. Một người hàng xóm của cụ vui vẻ nói: "kể cả việc đếm tiền, từ tờ nhỏ nhất đến loại mệnh giá làm bằng polime mới nhất, khó ai qua được mắt cụ".
|
CMTND của cụ Nguyệt ghi rõ sinh năm 1890 |
Biết có người hỏi thăm, cụ nhận lời kể lại “thiên sử” của mình khi bước sang tuổi 120. “Tôi và chồng tôi năm nay đều trên 100 tuổi, ông ấy (chồng cụ Nguyệt - ông Đào Điệt) sinh năm 1909, nhỏ hơn tôi đến 19 tuổi. Cuộc sống tôi vẫn bình thường, sinh hoạt chưa đến nỗi khó khăn chỉ rắc rối một nỗi là thỉnh thoảng đau lưng do thoái hoá cột sống. Hiện chúng tôi đang ở cùng cháu nội là Đào Văn Doãn”.
Bản thân cụ Nguyệt sinh ra trong một gia đình nghèo tại vùng quê phá Tam Giang, có 8 miệng ăn trong một mái ấm nên ba mẹ cụ Nguyệt phải làm việc ngày đêm mới lo đủ cho các con lót dạ. Vì thế mà ngay từ thuở bé cụ Nguyệt đã gồng mình mưu sinh trên những vùng nước mênh mông đầm phá. Bao nhiêu nghề “thợ đụng” như buôn cá, khoai, sắn... thậm chí làm một số nghề “đàn ông” như đánh cá, đan lưới cụ cũng không từ chối... miễn là có tiền phụ giúp gia đình.
Những năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cụ tham gia vào đội “ứng cứu” trong vùng đầm phá này. Chính cụ cùng người dân nơi đây đã thay nhau nuôi bộ đội, dẫn bao đoàn quân vượt qua hiểm nguy. Ký ức của cụ còn lưu lại những lần để đưa thông tin liên lạc giữa các đơn vị cụ Nguyệt phải giấu tài liệu trong miếng trầu. Khi đến trạm kiểm soát... cụ bỏ miếng trầu vào miệng nhai “đỏ ngàu” nên đánh lừa được sự theo dõi của địch.
|
Dù 120 tuổi nhưng cụ Nguyệt vãn nghe điện thoại vô tư |
Dường như để minh chứng cho sức khỏe, sự minh mẫn kỳ diệu ở người đã 120 tuổi, cụ lại đứng lên quét nhà.
|
Việc quét nhà, lau dọn cụ Nguyệt vẫn thường xuyên làm để vận động cơ thể. |
Dẫn giải tiếp câu chuyện, cụ Nguyệt chỉ về phía xô áo quần vừa giặt xong, đang để gần nhà tắm. Cụ cho biết, dù 120 tuổi rồi nhưng chuyện giặt giũ, tắm rửa cụ làm trong “nháy mắt”. Đem chuyện này kể với người thân của cụ, mọi người xác nhận, mọi việc sinh hoạt cá nhân nếu cảm thấy làm được là cụ đảm nhận hết. Nếu khó khăn quá cụ mới nhờ con cháu giúp sức. Chị Hồng bảo, tính cụ cẩn thận là thế, hồi trẻ làm việc gì là đâu ra đấy...
|
Cụ hái rau cho lợn ăn rất khoẻ |
Câu chuyện kỳ lạ của cụ Nguyệt làm tôi liên tưởng đến một thông tin gần đây, ở thành phố Huế cũng “phát lộ” một làng trường thọ với nhiều cụ trên 100 tuổi, nhưng theo tìm hiểu thì không có ai đặc biệt như cụ Nguyệt.
Khi được hỏi cụ có bí quyết như thế nào mà trường thọ vậy. Cụ Nguyệt khua tay bảo: “Tôi có bí quyết chi mô, chỉ một nỗi thích ăn cá móm, cá đối bắt dưới phá lên thôi. Không hiểu răng càng ăn càng nghiện nên bữa mô cũng bảo con kho riêng cho một nồi để nước xâm xấp thân cá”, đặc biệt cụ Nguyệt rất ít khi ăn thịt, thậm chí cụ còn nói không với cơm hàng quán...
|
Món cá "đặc biệt" bắt từ phá Tam Giang mà cụ Nguyệt cho rằng giúp mình sống thọ |
Bốn người con trai cụ Nguyệt đi bộ đội đã hi sinh. Một niềm an ủi nho nhỏ là trước khi đi bộ đội, con trai của cụ đều yên bề gia thất nên hiện tại bà vẫn được chăm sóc rất tốt bởi con cháu và các nàng dâu.
Năm 1994, cụ Nguyệt được Nhà nước công nhận là “Mẹ Việt Nam anh hùng”.
Theo tìm hiểu, cụ bà Kama Chinen, người Nhật Bản được sách kỷ lục Guiness ghi nhận là người già nhất thế giới vừa qua đời ở tuổi 114 vào đầu tháng 5/2010. Căn cứ theo giấy khai sinh của cụ Trần Thị Nguyệt mà chúng tôi có được thì hiện tại, cụ đang là người già nhất thế giới khi bước sang tuổi 120.
(Theo VTC)
Nhận xét
Đăng nhận xét