Hà Nội “tê liệt” trong trận mưa cực lớn 13/07/2010 09:10

Hà Nội “tê liệt” trong trận mưa cực lớn13/07/2010 09:10
(VTC News) - Giao thông Hà Nội đang vào những thời khắc rất căng thẳng khi cơn mưa rất lớn đổ xuống từ 7h sáng và kéo dài dai dẳng. Hàng chục tuyến phố rơi vào thảm cảnh lụt lội, cả vạn con người và phương tiện chết trân giữa đường…
Tin khác

Bắt đầu từ khoảng 7h, cơn mưa đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người Hà Nội. Công nhân đi làm muộn, những cuộc họp bị huỷ, đám lễ trễ giờ… và một ngày của Hà Nội bị xáo trộn bởi một cơn mưa dài và dai dẳng hiếm có.

Đến tận bây giờ, cơ quan khí tượng vẫn chưa có con số chính xác về lượng mưa trút xuống Hà Nội sáng nay, bởi mưa vẫn chưa ngừng rơi. Cơn mưa này đã khiến giao thông của cả Hà Nội bị tê liệt, hoạt động tại nhiều công sở bị ngưng trệ.

Khoảng 7h15 sáng 13/7, cơn mưa bắt đầu trở nên nặng hạt. Đến 7h30, hàng chục tuyến phố khu vực trung tâm thành phố như Hai Bà Trưng, Nguyễn Khuyến, Lê Duẩn, Đê La Thành, Nguyễn Văn Cừ… xuất hiện điểm nút ùn ứ, tắc nghẽn. Chừng 20 phút sau đó, ách tắc kéo dài với hàng đoàn xe máy, xe ô tô chờ đến lượt “thông quan” qua các ngã ba, ngã tư lúc này đang chồng chéo các loại phương tiện.

Hàng nghìn người phải dầm mình dưới cơn mưa nặng hạt. Thời gian càng thêm nặng nề, lê thê khi cơn mưa càng trở nên dữ dội.
Ngập lụt bên dòng sông Kim Ngưu 

Như thường lệ, “rốn nước” lại chia cắt các tuyến phố Lạc Trung, Tam Trinh, Thái Thịnh, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng. Chỉ sau hơn 30 phút mưa, nước ở đây đã ngập tới hơn 50 cm khiến giao thông gần như lâm vào cảnh tê liệt (ngoại trừ phương tiện không có máy nổ - xe đạp).

Một phụ nữ đi xe máy sau phút “liều mình” xông vào dòng nước đã bị kẹt lại ngay trước lối rẽ vào phố Lạc Trung. Một hồi vật lộn đẩy chiếc xe, nhưng không tiến được đáng kể, chị này bực dọc buông xe, đứng giữa mưa to, nhìn… biển nước.

Đến khoảng 8h, mưa lại sầm sập khiến nhiều người đi đường phải tiếp tục phải dừng xe trú tại các mái hiên dọc đường. Nhiều ô tô, xe máy bị chết động cơ do nước vào ống xả. Nhiều công nhân viên chức không còn cách nào khác đành quay về nhà, hoặc đứng giữa đường bắc điện thoại xin nghỉ chờ ngớt mưa, bớt tắc đường.

Các tuyến phố như Nguyễn Khuyến, Thợ Nhuộm, Ngọc Lâm (Gia Lâm) có một số đoạn ngập sâu đến gần 1m khiến các lại ô tô nhỏ như Matiz, Yaris, Vios… và xe máy tay ga chết máy hàng loạt.

Khoảng 7h30, tại tuyến phố Hoàng Hoa Thám, cả vạn phương tiện cùng con người đứng “chịu trận” giữa cơn mưa lớn. Tốp chiến sĩ CSGT thuộc đội CSGT số 2 luôn tay chỉ gậy ra giữa đường, chạy dọc tuyến phố tuýt còi để ngăn các phương tiện “xé rào”, nhưng giao thông vẫn không hề nhúc nhích. Đến 8h15, các phương tiện dần dần chuyển sang tốc độ “rùa bò”.

Đến 9h10, mặc dù đã quá giờ làm việc nhiều tiếng đồng hồ, nhưng ngã tư Đê La Thành - Khâm Thiên - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng vẫn là một biển người cùng hàng đoàn xe máy ô tô dồn ứ từ trước đó. Các phương tiện từ các phía khác vẫn liên tục đổ về. Tại tuyến phố Liễu Giai, Tăng Bạt Hổ… giao thông bị “bó hẹp” bởi nước lụt ở giữa đường, cả trăm phương tiện chết máy, dừng đỗ ngang dọc.

Phía đầu đường Hoàng Hoa Thám, lực lượng sửa chữa bugi cấp tốc được dịp hét giá với mức 15 nghìn đông/lần sửa.

Kinh hoàng nhất có lẽ là tuyến phố Ngọc Lâm. Đoạn đường vốn đang được cày xới tan hoang nhiều tháng trở lại đây, nay hàng đoàn người lũ lượt dắt xe, vượt qua “cơn sóng dữ dội”, đổ cấp tập mỗi khi có một chiếc xe tải chạy qua. Vỉa hè con phố này cũng trở thành cái bẫy khổng lồ đối với người tham gia giao thông.

Một người dân sống tại đây cho biết: vì lòng đường lụt cao nên một số người nảy ra sáng kiến đi trên vỉa hè. Nhưng vì vỉa hè phố này vốn rất gập ghềnh nên xảy ra khá nhiều vụ tai nạn ngã, đổ xe.


Hà Nội đã triển khai nhiều dự án cấp thoát nước với số tiền đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, vậy nhưng, người dân thủ đô vẫn nơm nớp cảm giác lo sợ mỗi khi mưa tới. Câu hỏi chắc sẽ cần nhiều thời gian mới có thể có câu trả lời thỏa đáng.

Đến lúc này, cơn mưa vẫn không ngừng trút nước.

Phúc Hưng
Báo điện tử VTC News. Giấy phép số 993/GP-BTTTT ngày 07/07/2008. Tổng biên tập: Trần Duy Phương, P.Tổng biên tập: Lê Đức Sảo.
Tòa soạn và Trị sự: Tầng 4 - Số 65 Lạc Trung - Hai Bà Trưng - Hà Nội. Điện thoại: 04-44501340, Fax: 04-44501356, E-mail: toasoan@vtc.vn .
Liên hệ quảng cáo (VTC Media): 04-44501350; lienhe.media@vtc.vn .
© Ghi rõ nguồn "VTC.VN" khi phát hành lại thông tin từ website này
[In trang]
Cám ơn lời nói thật của một quan chức
Cập nhật lúc 05:08, Thứ Tư, 19/05/2010 (GMT+7)
 – Hàng ngàn phản hồi của độc giả khắp cả nước đã chia sẻ với VietNamNet về loạt bài phản ánh thực trạng cũng như những góc khuất trong quản lý, khai thác khoáng sản của Cao Bằng. Nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự cảm phục về bà Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) dám nói thẳng sự thật.

Bài 1:  
Nín thở theo chân ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Bài 2:  Xâm nhập chợ quặng lậu vùng biên
Bài 3:  Những vùng đất chết khi chưa kịp... "sống"Bài 4:  "Tùng xẻo" cả đất nông nghiệp để đào vàng
Bài 5: Tiết lộ động trời chuyện "chạy" dự án ở Cao Bằng
Bài 6: Quyết tâm "xẻ thịt" cả "Đà Lạt của vùng Đông Bắc"

Bài 7: Xin được "chỉ mặt", "ăn tát" để đào bới lòng đất
Bài 8:  Tối hậu thư để khai sinh thêm một "vùng đất chết"

Clip 1: Trắng đêm theo ngựa thồ quặng lậu vượt biên
Clip 2: Chợ quặng lậu "hiên ngang" họp giữa ban ngày
Clip 3:  Đi qua những "vùng đất chết" miệt biên viễn 

Loạt bài điều tra của nhóm phóng viên VietNamNet về thực trạng bức xúc trong khai thác – quản lý và cấp phép mỏ khai thác khoáng sản tại tỉnh Cao Bằng đã nhận được sự quan tâm của hàng triệu bạn đọc khắp cả nước và nước ngoài suốt thời gian qua.

VietNamNet đã nhận được nhiều nội dung phản hồi của bạn đọc về việc bức xúc trước những thông tin mà VietNamNet đăng tải. Đối với họ, đó là sự bức xúc và bất ngờ về việc tài nguyên thiên nhiên quý giá của đất nước chưa được khai thác một cách có hiệu quả. Không những thế, nó còn phá vỡ nghiêm trọng môi sinh, môi trường.

Đau xót nhất, đó là vai trò quản lý nhà nước của chính quyền địa phương tỉnh Cao Bằng.

Bức xúc, bất ngờ, bàng hoàng…

Bạn đọc Hoàng Lan Anh ( địa chỉ email emgai_dantruong1987@): "Là một người con của đất Cao Bằng, tôi không khỏi bức xúc trước những hành động như vậy. Điều đó chứng tỏ vì sao, Cao Bằng vẫn còn nghèo".

Bạn đọc Hiệp (frozennight_84@): "Qua phóng sự của nhóm phóng viên điều tra VietNamNet có thể thấy được nạn đào vét khoáng san nghiêm trọng đến thế nào đã và đang xảy ra trên đất nước ta. Còn đâu nữa rừng vàng biển bạc, điều mà chúng ta vẫn tự hào dạy dỗ các em khi đến trường. Hãy học nước Nhật, điều mà họ dạy con cháu họ hoàn toàn khác chúng ta.

Mô tả ảnh.
Những vùng đất chết khi chưa được sống!
Thứ hai, cần thấy chúng ta phải sửa đổi lại luật quản lý khoáng sản, phải lấy ý kiến người dân làm trọng… Cần phải quy trách nhiệm, trừng trị thích đáng cho từng cá nhân đã tiếp tay để đào bới, rút ruột, tàn phá đất nước ta".

Bạn đọc Tạ Hải (haitahuu@): "Cần có chính sách khen ngợi thích đáng với bài viết này. Chúng ta cần nói lên sự thật xuất quặng, than... qua biên giới và lường đến hậu quả khi lũ về miền xuôi".

Bạn Lê Phong (plexuanphong@) kêu lên: "Trời ơi chính quyền sở tại ở đâu?. Sở công nghiệp đâu? Sao không có kế hoạch gì cho thế mạnh của địa phương mình mà giống như thời đào vàng của miền tây nước Mỹ, mạnh ai nấy làm. Ai chịu trách nhiệm đây?"

Bạn Trần Đăng Ngân (dangnganv3@): "Thật cảm phục tinh thần trách nhiệm cao và lòng quả cảm, yêu nghề, yêu Tổ quốc của nhóm phóng viên VietNamNet. Cảm ơn các anh đã cho bạn đọc những bài báo thật sự có ý nghĩa.

Mới đây là chùm bài viết về nghề cá trên biển Hoàng Sa, vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc. Thật đau đớn và xót xa khi biển đảo thân yêu của Tổ quốc đang từng ngày bị chiếm đóng và bây giờ là tài nguyên của Tổ quốc đang từng ngày chảy máu...

Và bài báo đang còn tiếp tục cung cấp những thông tin thú vị khác, nhưng đến đây là một bạn đọc bình thường, ta đã có thể đặt câu hỏi: Liệu chính quyền địa phương các xã, các huyện có biết sự thật ấy không?

Chính quyền cấp tỉnh đã biết chưa và đã có biện pháp mạnh nào để ngăn chặn hay họ cũng như những người dân nghèo vùng biên sẵn sàng bán rẻ tài nguyên Tổ quốc để kiếm về những đồng tiền lẻ?"
Bạn Bùi Nguyên Đức (
buiduc_1974@): Tôi đã từng làm việc ở trong mỏ quặng mangan huyện Trà Lĩnh, xã Quang Hán, thôn Khau Phải và bản Mặc. Các bạn phóng viên cứ vào thôn Khau Phải mà xem, thực tế hiện nay các đoàn ngựa thồ quặng đi sang Trung Quốc bán hàng ngày, ban ngày chứ không phải đêm. Tôi thống kê một ngày có khoảng gần một trăm con ngựa thồ quặng mangan sang Trung Quốc bán.
Nếu các bạn ở cả tối để xem thì, ngựa thồ quặng sang TQ bán, rồi lại thồ lá thuốc lá về (tất nhiên là nhập lậu).

Ở bản Mặc, dân lên khai thác quặng mangan trái phép ở khu đất mỏ của doanh nghiệp, có cả mìn và máy nén khí để khoan, công an xã cũng không hay biết dân nổ mìn lấy quặng. Mìn ở đâu ra, xin thưa là mìn ở Trung Quốc về, quặng đi thì mìn lại về.

Khi có tổ công tác của huyện vào làm việc thì dường như họ đã biết trước, máy nén khí được chôn vùi tạm phủ cây cỏ lên che đậy, miệng giếng cửa hầm cũng được che đậy tạm và vùi đất lên... Tổ công tác đi rồi thì đâu lại vào đấy.


Mô tả ảnh.
Con suối Nùng đục ngầu vì đất thải do khai thác khoáng sản ở đầu nguồn!
Hiện tượng ngựa thồ quặng đi TQ này cho đến ngày hôm nay 12/5/2010 vẫn còn nguyên. Mong các phóng viên vào cuộc để cho nguồn tài nguyên của đất nước không bị lãng phí. Nhà nước cấm xuất khẩu quặng thô, doanh nghiệp khai thác thì phải nộp thuế tài nguyên nhưng không khai thác được trên chính phần mỏ của mình vì dân cản trở".

Bạn đọc Nguyễn Thanh Quang (thanhquang2607@):  "Tôi đã đứng hàng giờ tại cửa khẩu Lào Cai, chứng kiến hàng trăm xe vận tải cỡ lớn hàng ngày nối đuôi nhau chở quặng sang bán cho Trung Quốc. Tò mò tôi qua Trung Quốc xem người ta mua quặng làm gì mà gấp thế, hóa ra họ mua quặng về rồi lại cất trữ vào các thung lũng đổ đất lấp lại…"

Bạn Trần Thọ Quảng (quangtrantho@): "Nếu chính quyền tỉnh Cao Bằng có "quyết tâm" cao như vậy, đề nghị Chính phủ kip thời can thiệp ngay".

Bạn Nguyễn Hữu Điệp (thcsquangtrung.tuky@): "Tính lâu dài của một công việc là rất quan trọng chứ chưa nói đến việc đại sự. Tôi nghĩ câu nói "Giữ gìn cho muôn đời sau" luôn được mọi người dân Việt Nam chung ta ghi nhớ. Không vì lợi trước mắt, lợi cho một nhóm người mà quên đi hoặc cố quên đi việc lớn. Hãy dừng những dự án kiểu "xẻ thịt môi trường" này".

Cảm ơn lời nói thật của bà Chủ tịch huyện

Những thông tin của Chủ tịch huyện Nguyên Bình, bà Mã Thị Ình khi trao đổi với VietNamNet đã được hàng ngàn bạn đọc bày tỏ sự khâm phục, kính trọng về một bà chủ tịch huyện trung thực, dũng cảm, dám nói lên sự thật với tinh thần trách nhiệm thực sự vì nước, vì dân.

Bạn Lê Công Khanh (khanhdaigia52@): "Đọc bài phóng sự tôi rất khâm phục bà chủ tịch huyện Nguyên Bình, vì dám nói những ý nguyện của dân. Cái dũng cảm ở đây là ý nguyện của dân khác với ý nguyện của “quan trên” và thậm chí có thể ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân của bà chủ tịch. Tôi rất khâm phục bà chủ tịch huyện Nguyên Bình".

Bạn Minh Quang (bebeton@): Một vị Chủ tịch huyện như bà đây là hiếm. Dám thẳng thắn nói lên sự thật là đức tính quý. Hy vọng còn nhiều vị lãnh đạo được như bà đây.


Mô tả ảnh.
Núi quặng chất cao như núi trước "mũi" UBND xã Thể Dục!
Bạn Nguyễn Thanh Tuân (tuanluckily@): Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình - bà Mã Thị Ình đã nói có việc chạy dự án như vậy thì đấy là việc quá nghiêm trọng. Tôi tin bà Ình và mong rằng Thủ tướng có chỉ đạo điều tra việc này. Mong rằng sẽ có nhiều quan chức như bà Ình để dân đỡ khổ.

Bạn đọc hoaanhdao@: "Ông Phó Chủ tịch tỉnh "nhiệt tình" thật đó! Làm quan mà nhiệt tình thì thật là phúc đức cho muôn dân. Tuy nhiên có điều phải soi xét là tuy biết rằng dự án đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của muôn dân mà vẫn "nhiệt tình" thúc ép huyện thu hồi đất của dân để bàn giao cho doanh nghiệp thì... "ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu". Chúng tôi cảm ơn bà chủ tịch huyện đã dũng cảm nói ra sự thật".

Bạn Phương Thảo (vtpthao@exotissimo): "Là một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất phên dậu của Tổ quốc, tôi thực sự xót xa cho đất rừng quê hương đang từng ngày từng giờ bị những cá nhân tham với hiểu biết hạn hẹp, vì đồng tiền mà lu mờ cả đạo đức, lương tâm...

Tôi thực sự buồn và xót xa khi bằng những hành động nghèo lương tri này, họ đang biến Cao Bằng thành một khai trường nham nhở.

Tôi mong, rất mong các đơn vị có thẩm quyền qua những bài báo, những nỗ lực của phóng viên VietNamNet đã mở đường có thể khoét đi khối u này, trả Cao Bằng lại với hình ảnh đẹp như xưa...

Cảm ơn nhóm PV VietNamNet đã chọc thủng khối u này, và mong nhiều phần chìm khác sẽ được đưa ra ánh sáng".

Bạn Lành Ngọc Nam (nam_lanh@) bày tỏ: "Thiết nghĩ khai thác khoáng sản của Cao Bằng là phục vụ ngành công nghiệp và kinh tế cho tỉnh nhà, nhưng qua những bài báo của VietNamNet thì rõ ràng nó chỉ phục vụ lợi ích cho một nhóm người".


Mô tả ảnh.
Buổi chiều vùng biên thêm tê tái...
Bạn Đỗ Tuấn Cường (cdcuongcuong@): Tôi thiết nghĩ Nhà nước phải vào cuộc thì mới cứu vãn được “Đà Lạt vùng Đông Bắc”.

Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng (nguyenhung10277@): Tôi làm nghề hướng dẫn viên du lịch, tôi đã nhiều lần dẫn khách đi qua tỉnh Cao bằng, nơi có rất nhiều cảnh thiên nhiên đẹp và du khách nước ngoài đánh giá cao. Nhưng thật đáng tiếc khi thấy rất nhiều công ty khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường.

Tôi hy vọng UBND tỉnh Cao Bằng sẽ xem xét và đưa ra quyết định đúng đắn để cho cảnh quan môi trường của Cao Bằng nói chung và huyện Nguyên Bình nói riêng được bạn bè trong nước và quốc tế yêu thích và đánh giá cao.

Bạn Nguyễn Văn Hải (haipacbo@): UBND tỉnh Cao bằng nên nghiêm túc xem lại chủ trương này vì ảnh hưởng tới người dân địa phương lâu dài, về đời sống, lòng tin của người dân đối với chính quyền, với Đảng... Đừng vì lợi ích trước mắt, cục bộ mà bỏ qua cái lớn lao đó.

Mong Tỉnh ủy Cao Bằng, chính quyền các cấp trước khi ra quyết định hãy lắng nghe những mong mỏi, nguyện vọng của nhân dân. Hãy đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết.


Mô tả ảnh.
Đối với người dân, khai thác quặng giống như một việc làm đã quá quen thuộc, như là nghề phụ sau những ngày nông nhàn.
Bạn đọc T.N.T (mrtnt181@) viết: "Cám ơn VietNamNet. Thực trạng này đã xảy ra rất lâu tại Cao Bằng - một tỉnh giàu có về thiên nhiên mà lúc nào cũng phải “đội sổ” ở trong các bảng xếp hạng về phát triển. Nơi có trữ lượng quạng sắt lớn mà các nhà máy sản xuất măng, thép lúc nào cũng trong tình trạng sống dở chết dở, hay có doanh nghiệp xây xong lò lại không có nguyên liệu vì tỉnh cấp phép cho khai thác một khu mỏ mà không thể giải tỏa và hàm lượng quặng là không cao.

Họ sẵn sàng bán nguyên liệu thô sang Trung Quốc chứ hiếm khi sử dụng tại các nhà máy của tỉnh hoặc xuất ngược về xuôi.

Trước đây chưa có chủ trương của chính phủ về việc cấm xuất khẩu quặng thô qua biên giới thì nó diễn ra rầm rộ. Lúc nào cũng thấy những con đường oằn mình chở quặng. Giờ đã cấm nhưng tất cả vẫn đâu ra đấy, ngày ngày quặng vẫn được đưa qua bên kia biên giới. Thử hỏi sao mà tỉnh lại không biết được. Cám ơn quý báo rất nhiều".

VietNamNet cảm ơn những đóng góp chia sẻ của bạn đọc khắp cả nước. VietNamNet mong tiếp tục được nhận được những chia sẻ của bạn đọc, cùng VietNamNetnói lên tiếng nói để các cơ quan chức năng vào cuộc, quản lý và sử dụng có hiệu quả bền vững đối với tài nguyên khoáng sản – nguồn lực phát triển của Quốc gia. 
  • Báo VietNamNet
,

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hôm nay ngày 13/7/2024 thứ bảy

Hôm nay ngày 11 tháng 8 năm 2024 Chúa nhật

Hôm nay ngày 19 tháng 9 năm 2024, thứ năm